Từ khoảng 6h sáng, bầu trời TP HCM đột ngột chuyển màu xám xịt, giông lốc kèm mưa xối xả bắt đầu đổ xuống nhiều khu vực như TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, Bình Thạnh và vùng ven thành phố. Cơn mưa càng lúc càng dày hạt, nhanh chóng khiến các tuyến đường chính bị ngập sâu.
Tại TP Thủ Đức, nhiều tuyến đường như Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành rơi vào tình trạng ngập tới hơn nửa bánh xe, nhiều điểm trũng nước dâng cao đến yên xe máy. Giao thông hỗn loạn, hàng loạt xe chết máy phải dắt bộ. Một số ôtô cũng bị ngập sâu, buộc tài xế phải bỏ lại giữa đường.
Người dân sinh sống dọc các tuyến đường ngập cho biết nước tràn vào nhà chỉ trong vòng vài phút. Nhiều hộ gia đình và cửa hàng phải dùng bao cát, ván chắn và tấm nylon để ngăn nước làm hư hại tài sản. Một số tiểu thương ở chợ Thủ Đức phải huy động người thân tát nước, che đậy hàng hóa trong cảnh mưa vẫn chưa dứt.
Theo ông Lê Đình Quyết – Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là cơn mưa có lượng nước đo được cao nhất tại TP HCM trong vòng 8 năm qua, không do ảnh hưởng của bão. Riêng khu vực huyện Củ Chi ghi nhận lượng mưa lên đến 230 mm chỉ trong vòng một tiếng rưỡi – một hiện tượng khí tượng cực kỳ hiếm.
Từ năm 2018 đến nay, TP HCM mới lại ghi nhận trận mưa vượt 200 mm. Nếu không tính đến các trận do bão như Usagi vào tháng 11/2018, thì đây là cơn mưa lớn nhất trong vòng 10 năm qua”, ông Quyết nhấn mạnh.
Thống kê tại trạm đo Tân Sơn Hòa (quận Tân Bình) cho thấy từ năm 1978 đến nay, chỉ có 19 năm ghi nhận lượng mưa vượt 100 mm/ngày, trong đó 5 năm vượt mốc 150 mm – cho thấy mức độ bất thường của thời tiết trong đợt mưa sáng nay.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng mưa lớn bất thường, chuyên gia khí tượng Nguyễn Ngọc Huy cho biết: “Nhiệt độ cao liên tục những ngày qua cộng với hiệu ứng đô thị đã khiến hơi ẩm tích tụ mạnh. Khi gặp rìa khối khí lạnh từ tầng cao khí quyển, chúng tạo thành vùng hội tụ mạnh, gây mưa lớn trên diện rộng.”
Ngoài TP HCM, mưa lớn cũng xảy ra tại các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai với lượng nước đo được từ 100 đến 150 mm. Một số khu vực trồng cây ăn trái bị ngập sâu, một số điểm dân cư bị cô lập. Lực lượng chức năng tại các địa phương đã tổ chức sơ tán người già, trẻ em và di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, từ nay đến ngày 14/5, TP HCM và các tỉnh Nam Bộ sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều đợt mưa rào và dông mạnh. Người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, lốc xoáy, sét và mưa đá.
Ngành chức năng được yêu cầu tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị phương án ứng phó ngập úng tại các điểm nóng nhằm giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo Thùy Như (SHTT)