Đề thi môn ngữ văn nói trên là đề thi kết thúc học kỳ I khối lớp 10 của Trường THPT Trưng Vương (quận 1- TP HCM).
Cụ thể, ở phần Đọc- hiểu, ngữ liệu của đề thi đưa ra vừa quen, cũng vừa "lạ". Theo ý kiến của nhiều HS trên các diễn đàn, quen là bởi vì ngữ liệu là bài thơ "Ông Đồ" nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên, bài thơ gắn liền với nhiều thế hệ HS. "Lạ" là vì hầu như không em HS nào nghĩ đến bài thơ lâu đời này sẽ xuất hiện trong đề thi.
Tuy nhiên, bất ngờ nhất thuộc về câu nghị luận xã hội khi yêu cầu HS trình bày quan điểm về ý kiến "Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa" của GS Võ Tòng Xuân, ý kiến này từng gây nhiều tranh cãi những năm trước đây.
Chiều 28-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn- Trường THPT Trưng Vương, cho biết, bản thân cô cũng rất bất ngờ khi đề thi được đông đảo HS đón nhận và cho rằng thú vị.
Cô Hạnh Nguyên chia sẻ thêm, trước khi ra đề thi, thật sự các thầy, cô cảm thấy khá áp lực, thứ nhất vì đây là năm đầu tiên các em HS lớp 10 học theo chương trình GDPT mới; trước đó nhiều đề thi ở một số cơ sở giáo dục khác bị cho rằng dài, gây áp lực cho HS. Trong khi đó đề thi cũng yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong SGK, đề thi đổi mới..."Chúng tôi đã hình dung, nếu đổi mới thì đổi mới theo mức độ nào, các em HS sẽ đón nhận đề thi đổi mới đó ra sao? Làm sao để các em cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng nhất?"- cô Hạnh Nguyên chia sẻ.
GV này cho biết thêm, có rất nhiều đề thi sử dụng ngữ liệu rất hay nhưng cuối cùng vẫn quyết định chọn đề thi với ngữ liệu là bài thơ "Ông Đồ" như trên. Bài thơ đã đáp ứng các yêu cầu cần thiết khi là ngữ liệu của phần câu hỏi Đọc- hiểu, ngoài ra cũng sẽ khiến HS cảm thấy tự tin, thoải mái khi làm bài.
Ở câu nghị luận xã hội, theo cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, trước đây ý kiến "Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa" của GS Võ Tòng Xuân từng gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến khác nhau. Nhà trường cũng rất muốn biết suy nghĩ, quan điểm của các em HS về ý kiến trên thế nào?
"Nhiều người lớn hiện nay cho rằng, giới trẻ hiện nay sống hời hợt và không sâu sắc, nhưng thật ra không phải. Các em có những quan điểm, lý lẽ riêng của mình. Điều bất ngờ hơn nữa là khi thu bài thi, các thầy cô đều ngạc nhiên với bài làm của các em. Hầu hết HS nêu quan điểm giữ lại tết Ta (tết Nguyên đán) vì đó là những ngày Tết thiêng liêng, là ngày mà mọi người sum vầy, đoàn viên. Dù trong năm có nhiều ngày nghỉ đi chăng nữa nhưng ngày Tết vẫn là ngày thiêng liêng nhất. Ý kiến các em là giữ Tết nhưng đồng thời cũng nên bỏ một số tập tục, nghi thức bó hẹp theo quan niệm xưa"- cô Hạnh Nguyên chia sẻ.
Theo Đặng Trinh (Nld.com.vn)