'Tốt nghiệp ĐH, tôi đang làm thuê cho giám đốc từng đi xuất khẩu lao động'

23/06/2023 07:56:26

Trong hàng trăm ý kiến gửi về VietNamNet, độc giả Phạm Văn Quang chia sẻ quan điểm cá nhân bằng câu chuyện của chính mình. Anh kể: "Công ty tôi có 200 nhân viên, được thành lập bởi một người đi xuất khẩu lao động về...".

Tuyến bài "Học sinh bỏ đại học, đổ xô đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)" thu hút nhiều bình luận của độc giả. Hàng trăm ý kiến với các quan điểm trái chiều đã cho thấy sự quan tâm của người đọc đối với vấn đề này.

Có người cho rằng việc bỏ qua ĐH, đi XKLĐ kiếm tiền là "bán lúa non" tuy nhiên cũng không ít người đồng tình đây là lựa chọn sáng suốt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không có việc làm.

“Học không giỏi, không nên theo đại học”

Chuyện sinh viên ra trường nhưng không tìm được công việc, chấp nhận phải làm những nghề trái chuyên môn hoặc thu nhập thấp là tình trạng không hiếm hiện nay. Vì thế, nhiều gia đình đã định hướng cho con em mình ra nước ngoài kiếm tiền thay vì theo đuổi 4 – 5 năm đại học.

Không ít người cho rằng đây là một sự lựa chọn sáng suốt, nhất là với những em có học lực không tốt.

“Những em có học lực khá trở xuống không nên theo đuổi bậc ĐH. Bởi nếu không có khả năng, khi ra trường, tương lai các em sẽ rất mông lung. Đôi khi, gia đình lại phải tốn thêm hàng trăm triệu để xin việc.

Thay vào đó, các em có thể chọn con đường học nghề, XKLĐ sang các nước có nền công nghiệp phát triển, sau vài năm kiếm được một số vốn trở về kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Khi có điều kiện, các em đi học lại vẫn chưa muộn”, một độc giả bày tỏ quan điểm.

Người khác cũng cho rằng cần nhìn nhận vấn đề này theo hướng tích cực: “Nói thật, tôi cũng có con dù mới chỉ học cấp 2, nhưng nghĩ tới việc phải bỏ một khoản tiền lớn cho con học ĐH, khi ra trường không có công ăn việc làm ổn định và mức thu nhập tốt, như thế sẽ rất lãng phí”.

“ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. Nếu điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, các em nên đi xuất khẩu lao động khoảng 5 năm để kiếm tiền giúp kinh tế gia đình thêm vững chãi.

Chưa kể, nếu đó là những cá nhân có tố chất, năng lực tốt, khi được sống và làm việc trong môi trường chất lượng cao, chắc chắn các em sẽ học hỏi được nhiều điều. Lâu nay, chúng ta vẫn hô hào chống bệnh thành tích, bài trừ háo danh. Việc các em đi vào suy nghĩ thực chất như vậy là điều rất đáng khích lệ”, độc giả này viết.

'Tốt nghiệp ĐH, tôi đang làm thuê cho giám đốc từng đi xuất khẩu lao động'
Không ít người cho rằng, xuất khẩu lao động là một sự lựa chọn sáng suốt, nhất là với những em có học lực không tốt.

Độc giả Hoàng Đinh cho rằng tất cả sự học cuối cùng đều nhằm mục đích kiếm tiền. Sau 40 tuổi, không quan trọng bạn học gì, bằng cấp ra sao, điều cơ bản nhất, bạn kiếm được bao nhiêu tiền.

“Tôi từng chứng kiến rất nhiều người thành công sớm do bỏ học ĐH, sau đó lo cho gia đình tươm tất, con cái học hành tử tế, bố mẹ có của ăn của để, giúp được anh em họ hàng.

Trong khi đó, nhiều bạn cùng lứa chăm chỉ học lên thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng sau 10 - 20 năm vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn, đời sống lẹt đẹt, quan hệ bạn bè dưới mức trung bình do quá bận với những đề tài nghiên cứu. Vì vậy làm gì không quan trọng, miễn không vi phạm pháp luật và phù hợp với hoàn cảnh của bản thân”.

Độc giả Võ Dân cũng kể lại câu chuyện về người cháu của mình, từng là học sinh giỏi toàn diện. Tuy nhiên, nữ sinh này không lựa chọn con đường học ĐH ở Việt Nam như bạn bè mà đi XKLĐ ở Nhật Bản theo diện vừa học vừa làm. Đến nay, em đã ra trường và đang có công việc ổn định tại Nhật.

Ngược lại, độc giả này cho hay, trong cùng địa phương, có không ít em học xong ĐH, vì không thể xin được việc nên chấp nhận làm công việc tự do tại quê nhà với mức lương 5 triệu/tháng. Có những em không chấp nhận mức lương ít ỏi này, đành tạm thời ở nhà chờ đợi cơ hội khác.

Độc giả Phạm Văn Quang lại chia sẻ với VietNamNet câu chuyện của chính mình. Anh kể: "Công ty tôi được thành lập bằng một người đi XKLĐ về. Anh đi mấy năm về có tiền, có mối quan hệ với người nước ngoài, giờ thành lập công ty nuôi sống gần 200 con người, trong đấy có rất nhiều người sở hữu bằng cao đẳng, ĐH. Nếu như không đi XKLĐ mà cứ ở nhà, chắc chắn hơn chục năm qua, giám đốc công ty tôi cũng chỉ lo làm sao đủ ăn, nuôi vợ con như tôi bây giờ (cũng trình độ ĐH). Ở nhà, học thật giỏi nhưng thiết nghĩ chúng ta có cống hiến gì cho xã hội được đâu và đang phải quay cuồng trong vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền...".

Độc giả Thiện Nguyễn Công cũng trải lòng: "Năm 2008, nếu tôi đi XKLĐ chưa biết chừng giờ có tiền tỷ trong tay, phụ giúp được gia đình. Cuối cùng, tôi chọn đi học cao đẳng sư phạm, ra trường mất 60 triệu đồng để xin việc với mức lương 2,7 triệu. Sau 10 năm giờ lương tôi mới lên 5,2 triệu đồng. Hiện tại tôi còn phải học nâng chuẩn, rất vất vả".

“Có lẽ, Việt Nam cần một cú bứt phá trong công tác đào tạo bậc ĐH như Bắc Đại, Thanh Hoa của Trung Quốc, nơi tất cả sinh viên đều muốn vào. Chỉ cần sinh viên đạt điểm cao sẽ được miễn học phí, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học, miễn phí khi ở ký túc xá.

Dù giàu hay nghèo, cứ học bá sẽ được ưu đãi về mặt tài chính. Có như vậy, các trường mới thu hút được học sinh lao vào học tập để đỗ những trường top đầu mà không lo về vấn đề học phí”, độc giả Trọng Nghĩa đề xuất.

“Bỏ đại học đi xuất khẩu lao động là tư duy ăn xổi”

Trong khi đó, không ít độc giả lại cho rằng, khi nhiều người giỏi “quay xe” không muốn vào ĐH, không còn mong phấn đấu phát triển tài năng, đây sẽ trở thành mối nguy cho đất nước.

“Dù không phủ nhận “muốn thành công không nhất thiết phải học cao”, nhưng nếu đứng trên bình diện phát triển của xã hội, đây sẽ là bước thụt lùi rất lớn, bởi kiến thức vẫn là nền tảng cho sự phát triển của xã hội”, độc giả Nguyễn Văn Chiến Viết bày tỏ.

Độc giả Đỗ Nguyên viết: “Sai lầm lớn nhất là không đi học, coi thường việc học. Tôi tin rằng những em bỏ học sẽ không bao giờ hiểu được mình đã sai lầm thế nào, bởi kiến thức luôn là vốn quý.

Khi được đi học, các em sẽ có nhận thức và cách thức giải quyết công việc tốt hơn. Kể cả các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng luôn cần những người lao động có tay nghề và được đào tạo bài bản”.

Anh Mai Trọng Trung cũng cho rằng: “Những đồng tiền kiếm ngay lúc này có thể giải quyết được chiếc bụng đói. Nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ân hận, bởi thế kỷ XXI cần những người có tư duy, trí tuệ. Lao động phổ thông rất dễ bị thay thế”.

“Một người học ĐH chưa chắc ra trường đã có thu nhập cao. Nhưng hầu hết những người thu nhập cao chắc chắn là những người có học vấn tốt.

Bỏ học ĐH để đi XKLĐ với suy nghĩ đổi đời là tư duy ăn xổi, bởi tri thức sẽ đưa ta đi xa hơn rất nhiều. Ví dụ trước đây, khi tôi đang học thạc sĩ, những người bạn của tôi lăn lộn từ sớm đã có của ăn của để. Nhưng giờ đây, tôi đã có thể bứt phá với khoản thu nhập cao hơn gấp 5 lần nhờ vào những tri thức mà tôi tích lũy được trong quá trình phát triển bản thân”, độc giả Vũ Xuân Thành chia sẻ.

Một độc giả ẩn danh lại bày tỏ quan điểm không thể khẳng định những người học ĐH sau này sẽ có tương lai tốt hơn hay những người theo con đường XKLĐ sẽ có tài chính ổn định hơn. Điều này còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh để đưa ra lựa chọn phù hợp.

“Tôi cũng sinh ra từ làng quê, nhưng không đi XKLĐ mà chọn vào ĐH. Tuy 2 năm đầu ra trường khá vất vả, nhưng đổi lại giờ đây, tôi có thể nói chuyện với nhiều đối tượng khác nhau, được gần gũi với gia đình và nuôi dạy con tốt hơn. Thu nhập của tôi luôn tỷ lệ thuận với số tuổi.

Trong gia đình tôi có 3 anh em, một người do hoàn cảnh gia đình, bố mất sớm nên phải đi lao động tại Hàn Quốc. Quả thực, xuất khẩu lao động đã để lại nhiều hệ lụy xấu.

Nhiều gia đình tan nát, nhiều đứa trẻ phải ở quê cùng ông bà, không có người bảo ban. Trong khi đó, bố mẹ chúng vẫn phiêu bạt nơi xứ người để kiếm tiền gửi về, hy vọng đời con cái sẽ khác bố mẹ chúng”.

Độc giả này cho rằng, nhà nước cần có những chính sách khuyến khích người giỏi, có năng lực tham gia học tập, từ đó đóng góp chất xám, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, với những người không có khả năng trước mắt có thể đi XKLĐ, sau đó quay trở về cùng phát triển kinh tế.

 

 

Theo Thúy Nga (VietNamNet)