Bộ Giao thông xếp hạng năng lực của Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (nhà thầu dự án Cát Linh - Hà Đông) vào nhóm trung bình.
Nhiều nhà thầu thuộc nhóm trung bình đến từ nước ngoài như POSCO, LOTTE, SAMWAN, DOOSAN và Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (nhà thầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông); trong nước có CIENCO5, Tổng công ty Thành An, Tổng công ty Xây dựng số 1...
Theo tiêu chí của Bộ Giao thông, các nhà thầu được xếp hạng trung bình do có 4-6 lỗi trên một gói thầu hoặc từ 8-20 lỗi trong các gói thầu.
Dự án Cát Linh - Hà Đông nhiều lần bị đốc thúc tiến độ. Ảnh: Đ.Loan |
Cũng theo xếp hạng của Bộ Giao thông, các nhà thầu "đáp ứng yêu cầu" gồm CIENCO4, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường... Các nhà thầu này đã đáp ứng tiêu chí có từ 3 lỗi trở xuống và không vi phạm trong quá trình thực hiện.
"Kết quả đánh giá của Bộ Giao thông căn cứ trên cơ sở chấm điểm nhà thầu của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án về tình hình thực hiện các hạng mục của nhà thầu trong năm 2016", ông Phan Quang Hiển - Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết.
Tháng 3 vừa qua, kiểm tra thường kỳ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã chỉ ra một số tồn tại về chất lượng công trình. Cụ thể, hệ thống đường ray và phụ kiện do khi lắp đặt chưa được phủ dầu mỡ chống rỉ nên một số vị trí đã bị rỉ sét. Một số mối nối ray có khe hở chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật là 8 mm, thực tế là lớn hoặc nhỏ hơn 8 mm. Việc này tiềm ẩn nguy cơ cháy mối nối hoặc ray bị đứt gãy do tác động bởi nhiệt độ. Ngoài ra, một số tấm bê tông cốt thép đúc liên kết tà vẹt với dầm hộp xuất hiện vết nứt dài và sâu... Đơn vị quản lý dự án cho hay, công trình vẫn trong quá trình xây dựng nên sẽ khắc phục các tồn tại nếu có. |
Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)