Quan trọng là xây dựng công cụ phòng ngừa tham nhũng
Chiều 9.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là dự án Luật rất quan trọng nên dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua sau 3 kỳ họp (thông qua vào năm 2018).
Phát biểu tại tổ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến và thông qua sau 2 hay 3 kỳ họp không quan trọng. Nếu chậm một chút nhưng chắc chắn, chất lượng cao hơn, tổ chức thực hiện được khả thi thì vẫn hơn.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở đánh giá 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nêu những điều làm được và hạn chế. Do đó, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này phải tập trung vào phòng là chính, phải thiết kế làm sao để người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được.
“Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các công cụ để phòng ngừa tham nhũng. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì tổ chức thực hiện hiệu quả mới cao, sẽ bịt được các kẽ hở để hạn chế tham nhũng, từ đó sẽ ít phải xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng hơn. Còn để xảy ra tham nhũng, xử lý các vụ việc thì đều rất đau lòng, xử tù tội, tử hình người vi phạm sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… rất đau xót” – Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói.
Ông Lê Minh Khái đặt vấn đề vậy phải làm sao không để xảy ra tham nhũng? “Con người thấy để tiền ra trước mặt lại không có ai thì lòng tham dễ phát sinh. Chúng ta không để xảy ra chuyện này thì sẽ không có tham nhũng. Còn khi đã xảy ra tham nhũng thì phải tập trung phát hiện, không để lọt. Phát hiện được thì phải xử lý cương quyết để không dám tham nhũng nữa”, ông Khái nói.
Nói về các công cụ phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: Thứ nhất là thiết kế quy chế chặt chẽ về tiêu chuẩn cán bộ, định mức công tác hay việc chuyển công tác vì khi cán bộ làm lâu một vị trí sẽ có quan hệ; thứ hai là phải quản lý được tài sản của cán bộ, buộc công khai tài sản phải trung thực, xác minh nguồn gốc tài sản…
Phải hứa không tham nhũng khi được bổ nhiệm
Ở góc nhìn khác, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, đối với cán bộ được bổ nhiệm phải thực hiện hứa là không tham nhũng. Việc này theo ông tuy có thể là hình thức nhưng cũng là nhắc nhở với người có chức vụ, khi làm lâu sẽ thành nếp.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng dự Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một luật hết sức quan trọng, phải thiết kế sao cho tương xứng. Cần nhấn mạnh việc phòng rồi mới chống, còn khi có tham nhũng xảy ra thì trách nhiệm điều tra, xử lý đã thuộc cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra.
Theo tướng Vương, vấn đề xác định được đối tượng tham nhũng, thông thường từ trước nay đều xác định là người có chức vụ, có quyền hạn, tức là có điều kiện để tham nhũng. “Nhưng vừa qua kiểm tra ở một số địa phương, ngay cả nhân viên kế toán của nhà trường cũng thông đồng với hiệu trưởng làm sai lệch để rút tiền, quyết toán khống. Trong quản lý kinh tế giữa người thủ trưởng và người kế toán gắn bó với nhau. Nếu không có kế toán thì không thể lấy tiền ra. Do đó, quy định đối tượng thế nào phải rất cân nhắc”, tướng Vương lưu ý.
Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cũng cho rằng để phòng, chống tham nhũng vấn đề phòng là quan trọng. “Cán bộ không tốt thì dân không được nhờ, đức là gốc của người cán bộ, có tài nhưng không có đức thì hại nước hại dân. Chính vì thế phòng ngừa nghĩa là phải làm sao giáo dục cán bộ kiên định vững vàng, không bị cám dỗ trước mọi lợi ích”, đại biểu Sùng Thìn Cò nói.
Theo N.Lương (Dân Việt)