Tổng giám đốc vụ “mua toa xe cũ của Trung Quốc” bị cách chức oan!

19/02/2016 14:39:14

Thời gian qua dư luận xôn xao trước vụ việc “mua toa xe đã qua sử dụng” của ngành đường sắt và người “chịu trận” trong vụ việc này là ông Nguyễn Viết Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (CP VTĐS Hà Nội) khi bị cho thôi chức Tổng Giám đốc.

Thời gian qua dư luận xôn xao trước vụ việc “mua toa xe đã qua sử dụng” của ngành đường sắt và người “chịu trận” trong vụ việc này là ông Nguyễn Viết Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (CP VTĐS Hà Nội) khi bị cho thôi chức Tổng Giám đốc.

Luật sư Phạm Quốc Bình.

Cụ thể, nhiều chứng cứ cho thấy ông Hiệp thực chất chỉ là nạn nhân của việc phủi bỏ trách nhiệm từ lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Trả lời của ông Nguyễn Viết Hiệp trên báo chí sau khi bị cách chức, ông Hiệp có than rằng “Chuyện này rất khó nói” hay “Tôi rất sốc và khổ sở”, nhưng cũng đủ để gợi cho độc giả nhiều câu hỏi và suy nghĩ.

Để giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn về những căn cứ pháp lý xung quanh việc cách chức oan ông Nguyễn Viết Hiệp, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Quốc Bình, Đoàn luật sư Hà Nội, người đã tiếp cận khá kỹ hồ sơ vụ việc. Luật sư Bình cho biết:

- Trước tiên cần phải nhắc lại, Nghị quyết số 04 ngày 4.2.2016 của Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty ĐSVN đã yêu cầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Công ty CP VTĐS Hà Nội và ông Hiệp vì hai lý do: Thứ nhất là do không chấp hành sự chỉ đạo của Tổng Công ty liên quan về trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư và tiến độ thực hiện. Thứ hai là do phát hành văn bản 283/VTHN – KH – ĐT ngày 29.1.2016 về việc mua, nhập khẩu toa xe hàng cũ C31 của Trung Quốc với những nội dung không đúng bản chất và chỉ đạo của Tổng Công ty.

Trên cơ sở đó, HĐTV của Tổng Công ty ĐSVN đã ra nghị quyết miễn nhiệm chức Tổng giám đốc Công ty CP VTĐS Hà Nội với ông Nguyễn Viết Hiệp và điều động, bố trí ông sang làm Phó trưởng Ban Vận tải Tổng Công ty.

Ông vừa đề cập tới văn bản 283 khi HĐTV Tổng Công ty ĐSVN kết luận rằng văn bản này có những nội dụng không đúng bản chất và chỉ đạo. Ông có thể nói rõ hơn về văn bản này?

- Trong báo cáo giải trình bổ sung số 33 ngày 5.2.2016 gửi Tổng Công ty ĐSVN (tức là chỉ 1 ngày sau khi có Nghị quyết của HĐTV Tổng Công ty ĐSVN cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp-NV), ông Nguyễn Viết Hiệp đã tự nhận rằng: Công văn số 283 đã nêu quá chi tiết về chủng loại toa xe đã qua sử dụng, đồng thời đề nghị Bộ KHCN và Bộ GTVT hướng dẫn và cho ý kiến. Tuy nhiên, văn bản này được viết là theo chủ trương của Tổng Công ty đã đồng ý, trong khi tất cả các văn bản triển khai của công ty mới chỉ ở mức thu thập thông tin.

Trong báo cáo này, ông Hiệp cũng thừa nhận công văn 283 không nói rõ được bối cảnh Công ty đang khó khăn về vốn đầu tư để đầu tư mua thiết bị vận chuyển, lô toa xe phía Trung Quốc chào bán hiện đang sử dụng tốt, giá bán thấp hơn đóng mới, trong khi mỗi ngày phải trả từ 10 – 18 fran Thụy Sỹ tiền thuê 1 toa xe, cũng như chưa trích dẫn được cụ thể vướng mắc khi áp dụng thông tư số 13/2015/TT-BGTVT công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện Bộ quản lý.
 

Văn bản 283/VTHN-KH-ĐT do ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công CP VTĐS Hà Nội ký gửi lên Bộ KHCN và Bộ GTVT bị kết luận là sai quy định và trái thẩm quyền, nhưng thực tế lại không phải vậy.

Còn lý do cho rằng quá trình triển khai việc nghiên cứu, lập phương án đầu tư của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội không đúng với hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng công ty ĐSVN thì ông thấy sao?

- Cần nêu lại quá trình thực hiện nghiên cứu, lập kế hoạch để thực hiện việc đàm phán, xin chủ trương, lập dự án mua 160 toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc: Đầu tiên, tháng 9.2013 Cục ĐS Côn Minh (TQ) đã gửi thư cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty đề xuất bán một số toa xe hàng đã qua sử dụng cho ĐSVN. Phía bạn đã cung cấp báo giá cho Tổng Công ty khoảng 70.000 NDT/xe.

Ngày 11.4.2015, Tổng Công ty ĐSVN và Cục ĐS Côn Minh đã ký Biên bản đàm phán, trong đó có nội dung đề cập tại mục 11, 12 của Biên bản về việc “Nhu cầu mua toa xe hàng khổ đường 1.000mm”.

Ngày 15.10.2014, Ban Kế hoạch kinh doanh của Tổng Công ty có văn bản số 399/TTr-KHKD gửi ông Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tổng công ty báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc, trong đó đề xuất hai phương án đầu tư. Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty là ông Trần Ngọc Thành đã có bút phê gửi Tổng giám đốc và các ban liên quan với nội dung: “Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của TQ. Đề nghị tổ chức triển khai”.
 

Ngày 5.3.2015 Tổng công ty ban hành công điện số 373/CĐ-ĐS gửi các công ty có liên quan về “Thông báo chủng loại và giá thành toa xe nhập khẩu của Trung quốc”, theo đó yêu cầu các công ty thành viên có nhu cầu đăng ký ngay cho Tổng công ty để Tổng công ty thông báo cho Cục ĐS Côn Minh.

Sau đó, ngày 15.5.2015, Công ty CP VTĐS Hà Nội đã có văn bản số 1286/VTHN-KH-ĐT gửi Tổng công ty đăng ký dự kiến mua 164 toa xe.

Đến ngày 2.6.2015 Tổng Công ty ban hành văn bản số 1408/ĐS-KHKD đồng ý thống nhất về chủ trương đàm phán mua toa xe đã qua sử dụng của Cục đường sắt Côn Minh – Trung Quốc.

Đáng chú ý, Tổng Công ty cũng giao Công ty CP VTĐS Hà Nội “Chủ động đàm phán với phía bạn về giá cả, số lượng, chủng loại toa xe cần mua”, “Triển khai việc lập dự án đầu tư và lập các hồ sơ nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng gửi các cơ quan chức năng giải quyết theo luật định”.

Tiếp đó, ngày 16.12.2015, Tổng công ty có văn bản 3995/ĐS-KHKD yêu cầu các công ty CP VTĐS Hà nội và Ratraco “Nghiên cứu các quy định của pháp luật về việc quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng…  và chủ động làm việc với các cơ quan chức năng về nhu cầu nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng để được hướng dẫn cụ thể”.

Theo ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty, căn cứ trên thẩm quyền của Công ty, ngày 29.1.2016 Tổng Giám đốc Công ty CP VTĐS Hà Nội mới có văn bản số 283/VTHN-KH-ĐT gửi Bộ KHCN và Bộ GTVT đề nghị hướng dẫn việc mua, nhập khẩu lô toa xe hàng đã qua sử dụng.

Qua quá trình triển khai việc nghiên cứu, lập phương án đầu tư của Công ty CP VTĐS Hà Nội, tôi có thể khẳng định: Việc Công ty thực hiện là hoàn toàn đúng với chủ trương, hướng dẫn, chỉ đạo tại các văn bản của Tổng công ty ĐSVN.

Và để thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan tới việc lập kế hoạch, dự án đầu tư “mua toa xe đã qua sử dụng” do Trung Quốc sản xuất, việc Công ty có văn bản số 283/VTHN-KH-ĐT gửi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là việc làm thể hiện trách nhiệm của Công ty và hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật liên quan như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty.

Như vậy, việc Tổng công ty ĐSVN đưa ra lý do Công ty làm văn bản 283 không báo cáo Tổng công ty là không chính xác và việc cách chức Tổng Giám đốc đối với ông Hiệp là không thỏa đáng?

- Tôi có thể khẳng định như vậy vì việc mua toa xe đã qua sử sụng không phải do Công ty CP VTĐS Hà Nội và cá nhân ông Hiệp tự nghĩ ra mà theo chỉ đạo chặt chẽ của Tổng Công ty. Thế nên không thể quy kết ông Hiệp“không thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và cơ quan có liên quan về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng” (như chỉ đạo của Bộ GTVT tại VB 1484/BGTVT-TCCB ngày 03.2.2106).

Vậy còn kết luận về việc ông Hiệp gửi công văn xin ý kiến Bộ GTVT và Bộ KHCN là trái thẩm quyền, sai quy trình có thuyết phục không, thưa ông?

- Cần hiểu rằng, Công ty CP VTĐS Hà Nội là một công ty TNHH MTV có tư cách pháp nhân, nằm trong hệ thống mẹ - con của Tổng công ty ĐSVN, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty nên việc công ty phát hành văn bản 283/VTHN-KH-ĐT ngày 29.1.2016, gửi các Bộ quản lý chuyên ngành xin hướng dẫn là việc làm hết sức bình thường và cần thiết của một doanh nghiệp trước khi sử dụng nguồn vốn để đầu tư máy móc thiết bị đã qua sử dụng.

Mặt khác, Công ty CP VTĐS Hà Nội là một công ty độc lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần thì các dự án đầu tư của công ty có giá trị trên 50% vốn điều lệ mới phải xin ý kiến chấp thuận về chủ trương của Công ty mẹ – Tổng Công ty ĐSVN; việc đầu tư dự án này với giá trị ước tính khoảng 50 tỷ chưa vượt ngưỡng 50% vốn chủ sở hữu (800 tỷ). Vì vậy, không có căn cứ để khẳng định ông Hiệp và Cty CP VTĐS Hà Nội “Trái thẩm quyền trong việc ban hành văn bản gửi cơ quan nhà nước”.

Một điều quan trọng nữa là việc đàm phán, thương thảo giá mua bán, phương thức đầu tư để lập dự án mua 160 toa xe đã qua sử dụng mới chỉ dừng ở bước khảo sát theo chủ trương mà Tổng công ty đã giao cho Công ty thực hiện từ năm 2015. Giả sử, sau khi Công ty báo cáo, xin ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu các Bộ ngành xem xét việc đầu tư, mua thiết bị đã qua sử dụng mà không đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành mà bị “tuýt còi” thì việc nhập khẩu cũng không thể xảy ra.

Lẽ ra, khi vụ việc được báo chí phản ánh, lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN cần phải xem xét một cách thấu đáo, đúng mực và báo cáo trung thực sự việc với Bộ GTVT và công khai với báo chí thì sẽ không dẫn đến câu chuyện ông Nguyễn Viết Hiệp bị mất chức oan uổng và mang tiếng như vậy!

- Xin cảm ơn luật sư!

Việc chối bỏ trách nhiệm của lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN đối với sự việc trên và việc phủi bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho cấp dưới (lãnh đạo Công ty đường sắt Hà Nội) của ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN - cần được lãnh đạo Bộ GTVT xem xét thấu đáo để trả lời cho các cơ quan báo chí và dư luận rõ.

Dân Việt

“Việc mua toa xe đã qua sử sụng không phải do Công ty CP VTĐS Hà Nội và cá nhân ông Hiệp tự nghĩ ra, mà theo chỉ đạo chặt chẽ của Tổng Công ty. Thế nên không thể quy kết ông Hiệp“không thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và cơ quan có liên quan về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng””.

Luật sư Phạm Quốc Bình


>> Mua tàu cũ Trung Quốc: "Nếu toa xe còn mới thì mua là bình thường"
>> Nghiên cứu mua toa tàu cũ của Trung Quốc không phải là ý tưởng "bột phát"
>> Tình tiết “động trời” trong vụ mua tàu cũ của Trung Quốc
>> Hành trình dạm mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc và cú "phanh" gấp
>> Tổng Giám đốc Đường sắt Hà Nội: "Tôi rất sốc và khổ sở"
>> Tổng giám đốc Đường sắt Hà Nội chính thức bị cách chức

Theo Nhóm PV (Dân Việt)