Đoàn giám sát của QH làm việc với BHXH VN hôm nay |
“Theo quy định, số lượng cấp phó tại các tổ chức thuộc BHXH VN không quá 3 người. Vậy, cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cũng như tỷ lệ lãnh đạo trên số công chức, viên chức làm chuyên môn nghiệp vụ tại mỗi đơn vị là bao nhiêu?”, ông Tùng hỏi.
Việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy cũng được ông Tùng đề nghị BHXH VN giải trình rõ hơn.
Theo báo cáo của BHXH VN, so với năm 2011, năm 2016 tổ chức bộ máy của ngành tăng 2 đơn vị. Tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc với 24 đơn vị trực thuộc ở cấp TƯ gồm 9 vụ, 5 ban, văn phòng, 9 đơn vị sự nghiệp cùng 63 BHXH tỉnh, thành phố và 710 BHXH cấp huyện.
Cải cách hành chính là phải giảm lãnh đạo
Giải trình, TGĐ Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện nay, BHXH quản lý 12 triệu người, chiếm 25% lao động cả nước. Theo Nghị quyết 21, đến năm 2020 tăng lên 50%, tức là phải 25 triệu người.
“Đây là khối lượng công việc khổng lồ, nếu không có biên chế sẽ không thể làm được việc”, bà Minh nêu khó khăn.
Bên cạnh đó, luật BHYT xây dựng lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, khi thực hiện vào năm 2014 số đối tượng tham gia BHXH là 66 triệu, nhưng đến nay đã tăng lên 76 triệu người.
Tổng giám đốc BHXH VN Nguyễn Thị Minh |
“Số đối tượng tăng rất đột biến. Bình quân 1 cán bộ giám định phụ trách 75.000 hồ sơ khám chữa bệnh BHYT/năm nên tình trạng lạm dụng trục lợi là khó tránh khỏi. Còn 1 cán bộ BHXH cũng chịu trách nhiệm với 3.500 đối tượng”, Tổng giám đốc BHXH VN than và cho rằng đây là vấn đề rất trăn trở.
Bà Minh cũng nêu lên điều bất hợp lý, năm 2012, BHXH được giao 27.000 cán bộ, viên chức. Trong khi nhiệm vụ năm 2017 sẽ tăng trên 1,5 lần nhưng số lượng biên chế vẫn vậy.
Đồng thời, tự đưa ra quy chế khống chế số lượng cấp phó ở BHXH cấp huyện. Nơi trên 30 cán bộ, công chức, viên chức mới được bố trí 3 phó giám đốc, từ 30 - 16 cán bộ chỉ được 2 cấp phó và dưới 16 cán bộ, chỉ được bố trí 1 phó giám đốc.
“Cải cách hành chính là phải giảm lãnh đạo”, bà Minh nhấn mạnh.
Bỏ cấp phòng chỉ phù hợp với một số mô hình
Đoàn giám sát đặt vấn đề BHXH VN có tính đến chuyện bỏ cấp phòng để tinh gọn bộ máy như Bộ GD&ĐT hứa sẽ làm.
Tổng giám đốc BHXH VN nêu quan điểm: "Phòng không quan trọng mà là tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả".
Bà dẫn thực tiễn khi còn làm việc ở Bộ Tài chính đã rất sợ câu chuyện bỏ phòng. “Một chuyên viên nếu bổ nhiệm thẳng lên vụ phó mà không qua cọ sát ở cấp phòng thì quá sợ”, bà Minh phân tích và cho rằng chuyện bỏ phòng không tốt trong thực tiễn. Nhất là đối với những ngành như tài chính, BHXH công việc đụng chạm tiền nong, quyền lợi.
Theo bà Minh, vấn đề là hiệu quả công việc và trách nhiệm người đứng đầu. Việc bỏ hết cấp phòng chỉ phù hợp một số mô hình.
Việc các đại biểu băn khoăn khi viên chức được thực hiện chức năng thanh tra trong khi theo quy định chỉ có công chức, bà Minh cho rằng, đó là vấn đề khó của thực tiễn đặt ra, cần nhiều thanh tra để thanh tra việc trốn đóng BHXH.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)