Tổng công ty Đường sắt chọn nhà thầu Trung Quốc sai quy định

01/09/2016 13:46:00

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau thanh tra, trong đó có nội dung chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định.

 

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau thanh tra, trong đó có nội dung chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định.

Về các dự án đầu tư mua sắm tài sản, Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án đóng mới 300 toa xe hàng có giá trị trên 2 tỷ đồng đã được ĐSVN lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh là sai quy định Luật đấu thầu.

ĐSVN chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương – Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam (Trung Quốc) trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E, nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt là sai quy định theo Nghị định 85/2009 của Chính phủ.

Tong cong ty Duong sat chon nha thau Trung Quoc sai quy dinh hinh anh 1
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định. Ảnh: CTV

Các tài sản hình thành từ dự án 300 toa xe hàng, dự án lắp ráp đầu máy kể trên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra (tháng 1.2015) chưa quyết toán là sai quy định. Đối với các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 – 2013, có đến 24/31 dự án chậm tiến độ. Trong đó có nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm.

Kết luận thanh tra nêu rõ, việc đấu thầu các dự án hầu hết để chậm, không đăng tải các thông tin đấu thầu theo đúng quy định. Tại một số dự án, chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có dự toán được duyệt, như:

Dự án thay tà vẹt K1, K2 chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu không căn cứ vào kết quả đấu thầu. Thanh tra Chính phủ xác định, đây là việc làm thiếu minh bạch và trái quy định Luật đấu thầu; các gói thầu chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư không xử phạt nhà thầu theo cam kết hợp đồng.

Gói thầu VNR-WB4-02 chủ đầu tư đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu với giá trị gói thầu tạm tính 2,2 tỷ và được đấu thầu rộng rãi. Sau đó, ĐSVN lại chia thành 3 gói, các gói thầu nhỏ này về bản chất là 1 gói thầu thực hiện cùng thời điểm, có tính chất tương tự.

Việc chia thành các gói thầu nhỏ để chỉ định thầu là sai quy định. Từ việc chia gói thầu như trên, chủ đầu tư đã phê duyệt các chi phí khác tăng sai hơn 1 tỷ đồng do áp dụng tỉ lệ phí cao hơn 1 gói.

Bên cạnh đó, việc thanh lý tài sản cố định của ĐSVN cũng có những sai sót. Năm 2010-2013, việc thanh lý đầu máy, toa xe, vật tư phụ tùng thu hồi nguyên giá là 106 tỉ, bán thanh lý là 25 tỷ, thanh lý vật tư thu hồi tại khối các công ty quản lý hạ tầng là 21 tỷ đồng.

Tuy khối lượng tài sản được thanh lý có quy mô rất lớn nhưng ĐSVN và các đơn vị thành viên đã không thực hiện đấu giá theo quy định mà bán theo Đơn xin mua thanh lý của các đơn vị trong ngành. Đối tượng được mua thanh lý tài sản không sử dụng lại trong ngành mà bán ra thị trường.

Ngoài ra, dù kinh doanh chưa hiệu quả, ĐSVN vẫn đầu tư ngoài ngành, đầu tư vào các công ty con. Vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của ĐSVN năm 2010 là 481 tỷ đồng và đến năm 2013 là 531 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Công ty liên doanh MINZX từ khi thành lập năm 1996 đến nay không có lợi nhuận, số vốn góp 1,7 tỷ đồng đã mất phải trích lập dự phòng nhưng chưa được xử lý theo quy định.

Công tác quản lý lợi nhuận, cổ tức được chia lỏng lẻo, số nợ đọng kéo dài chưa thu được 84,6 tỷ đồng. Trong đó các Công ty TNHH MTV nợ 31,2 tỷ đồng, các công ty liên doanh liên kết nợ 47,8 tỷ đồng…

Thanh tra Chính phủ cũng nêu ra một số sai phạm khác của ĐSVN, tổng số tiền sai phạm về kinh tế là hơn 131 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm.

Kết luận do ông Ngô Văn Khánh – Phó tổng Thanh tra Chính phủ ký, cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, xử lý những khoản tiền sai phạm tại ĐSVN.

Theo Thắng Quang (Zing.vn)