Nội dung chọn nhân sự đứng đầu cơ quan sau sáp nhập được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XIII, chiều 12/4.
Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 với tỷ lệ tuyệt đối. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 7 công việc phải triển khai ngay sau hội nghị này.
Chủ động sắp xếp cán bộ, bảo đảm giữ chân người tài
Đầu tiên, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu phải chủ động, tích cực làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình cũng như tham gia định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương lớn của Đảng.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các đề án, kế hoạch đã được Trung ương thông qua.
Công việc thứ ba phải triển khai ngay là, chủ động các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp.
Song song là chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Thứ tư, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân.
Không cộng cơ học văn kiện của tỉnh cũ thành văn kiện của tỉnh mới
Thứ năm là tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất. Theo Tổng Bí thư, chúng ta tổ chức đại hội cấp xã, cấp tỉnh ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Vì vậy, cần lãnh đạo, chỉ đạo hết sức chặt chẽ để bảo đảm đại hội đúng quy định và thực chất, không hình thức.
Với công việc này, Tổng Bí thư lưu ý, cấp tỉnh phải sớm bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội cấp mình trên cơ sở dự thảo Văn kiện mới của Trung ương. Với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất thì các Ban thường vụ phải bàn với nhau để xây dựng văn kiện của Đại hội tỉnh mới,
“Phải trên tinh thần “không gian phát triển mở rộng” của tỉnh mới để xây dựng văn kiện, không phải là cộng gộp cơ học các văn kiện của tỉnh cũ thành văn kiện của tỉnh mới. Các xã sáp nhập cũng phải thực hiện theo tinh thần này”, theo Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư cũng cho biết, nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhận sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn.
“Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh có sáp nhập, hợp nhất phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập”, Tổng Bí thư nói.
Những vấn đề chưa thống nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được phân công phụ trách địa bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo. Các tỉnh cũng cần phân công cấp ủy tỉnh hướng dẫn chỉ đạo Đại hội cấp xã, theo Tổng Bí thư.
Lấy ý kiến nhân dân về thời điểm bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh
Công việc cần làm ngay thứ sáu là, đảm bảo lộ trình và tiến độ, quy trình, nhất là quy trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy chế dân chủ cơ sở về sửa đổi hành lang pháp lý, về thời điểm kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập xã, sắp xếp, sáp nhập tỉnh như nghị quyết đã được thông qua.
Thứ bảy, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm 2025, trọng tâm là Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cùng với các hoạt động kỷ niệm của từng địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, ngay sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 18 cũng sẽ họp để cụ thể hóa các công việc cần làm, đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới và phân công các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc.
Ngay trong tuần sau, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc để quán triệt, thống nhất nhận thức, cách làm trong cả hệ thống chính trị về những chủ trương mà Hội nghị Trung ương 11 vừa thông qua.
“Nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, gian khó, tôi nghĩ đây là thử thách lớn, đồng thời là cơ hội để từng Ủy viên Trung ương Đảng thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước, trước Nhân dân”, Tổng Bí thư nói.
Với truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất của dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực chung sức, đồng lòng, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Tổng Bí thư tin tưởng, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Theo Hương Giang (Báo Thanh Tra)