Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở quận Ba Đình và 55 điểm cầu tại quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng và các phường với hơn 1.200 cử tri tham gia.
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với nhiều giải pháp về kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai và đồng tình cao việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Cử tri cho rằng, việc này giúp đảm bảo công tác phòng, chống tiêu cực luôn có “tai mắt của nhân dân”; giúp phát hiện và xử lý kịp thời, đúng đối tượng có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, các ý kiến cử tri cũng đánh giá cao công tác điều hành linh hoạt tại kỳ họp thứ 3, ghi nhận các nội dung chất vấn, tranh luận đã đi thẳng trọng tâm, ngắn gọn, phản ánh sát thực tế đời sống và nguyện vọng nhân dân; và mong muốn các vấn đề đã được thảo luận tại Quốc hội, cùng những lời hứa sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị đứng đầu các bộ ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng tạo ra các chuyển biến tích cực.
Cử tri cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan như: môn học Lịch sử phải là môn học bắt buộc; bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn, xuất bản SGK; chấn chỉnh việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trao đổi, giải đáp một số ý kiến, kiến nghị cử tri nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, trao đổi với cử tri.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý tiêu cực, vừa qua Quốc hội đã bãi nhiệm ĐBQH, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế với ông Nguyễn Thanh Long và xử lý ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trước đây công tác ở Bộ KH&CN do liên quan đến công ty Việt Á.
Tổng Bí thư khẳng định lại tinh thần trong công tác phòng, chống tham nhũng "rất kiên trì, rất nhân văn, có lý, có tình và rất có bài bản, hết sức thuyết phục".
Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị thảo luận rất kỹ và 100% đã bỏ phiếu yêu cầu kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng. Ngày hôm sau triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường, BCH Trung ương họp, thảo luận và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị. BCH Trung ương cũng bỏ phiếu gần như tuyệt đối hoàn toàn đồng ý về việc khai trừ ra khỏi Đảng. Ngay sáng hôm sau họp Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế.
"Cả hai lúc đầu chưa nhận thức hết. Nhưng cuối cùng đều nhận thức được và hứa hẹn rằng sẽ sửa chữa. Sau khi mất chức ủy viên Trung ương, mất chức Bộ trưởng, ngay chiều hôm ấy, cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra. Chúng ta phòng, chống tham nhũng làm rất bài bản như thế. Hiện nay đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Tổng Bí thư cho biết, cuối tháng này, Trung ương sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị. Hội nghị nhằm tổng kết kết quả, hạn chế từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới.
Còn về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng.
Theo Trần Thường (VietNamNet)