Nhân dân thèm khát được nhìn thấy những hình ảnh cán bộ lãnh đạo năng nổ, tận tình vì công việc, dám nói, dám làm, sâu sát, có lửa, hình ảnh ông Đinh La Thăng đã từng là một người như vậy.
Chắc chắn, trong quá trình kiểm điểm, ông Đinh La Thăng cũng đã tự nhận sai phạm của mình trong thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Câu chuyện của cách đây gần 10 năm đã không bị khép lại, nó vẫn được đặt lên bàn nghị sự và ông Đinh La Thăng đã không thể thoát khỏi án kỷ luật.
|
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Vietnamnet |
Những bài học đắt giá tiếp tục được rút ra, bài học về sự ấu trĩ trong chủ trương đầu tư, sự vội vàng hấp tấp trong các quyết định, những kẽ hở trong quản lý điều hành tập đoàn, cả thái độ làm việc quan liêu, thiếu kiểm tra kiểm soát, cả thói ngạo mạn dễ xuất hiện khi ngồi ở vị trí chủ chốt của một tập đoàn, cả thói quen “chạy theo phong trào” mà bất cần tính đến sự khắc nghiệt và cạm bẫy của cơ chế thị trường, cả bài học về đề bạt, cân nhắc, lựa chọn cán bộ dưới quyền.
Hậu quả về kinh tế có thể đã nhìn thấy bằng những con số nhiều ngàn tỉ đồng “vứt qua cửa sổ” và một loạt cán bộ lãnh đạo của các đơn vị thành viên Tập đoàn này bị bắt, bị khởi tố, có kẻ bỏ trốn.
Uy tín Nhà nước cũng vì những vụ việc như thế này mà tổn hại, lòng tin của nhân dân từ những vụ việc như thế này mà suy giảm.
Dù thế nào thì việc xử lý nghiêm những sai phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên cũng đã chứng tỏ quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công cuộc chống tham nhũng đang được người dân mong đợi, đang mang lại những kết quả bước đầu đáng tin tưởng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không né tránh ai, không ai được quyền đứng trên pháp luật.
Những bài học cay đắng từ vụ xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng không chỉ dành cho ông Đinh La Thăng, nó báo động một tình hình chung cần kiểm soát nghiêm ngặt, cả về nhân sự, cả về chủ trương, cả thái độ tiếp thu góp ý của các chuyên gia, của nhân dân, cả về những thay đổi trong quản lý điều hành, cả về vai trò hiện nay của các tập đoàn kinh tế.
Một hệ thống quản lý nhà nước có vẻ rất chặt chẽ, rất nhiều tầng cấp nhưng tại sao vẫn để lọt nhiều dự án hời hợt, non nớt, ngờ nghệch đến khó tin. Nhưng cuộc rượt đuổi theo những con số lỗ khổng lồ càng khiến cho công tác quản lý điều hành mất kiểm soát.
Ông Đinh La Thăng hiện vẫn đang là Ủy viên Trung ương Đảng.
Cần phải công bằng nhận xét rằng, hiếm có một vị Bộ trưởng nào như ông Đinh La Thăng khi ông làm tư lệnh ngành giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng máu lửa như thế, sâu sát như thế, dứt khoát như thế từ những việc nhỏ nhất đến những việc ở cấp độ ngành.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đu dây xuống vực chỉ đạo đội cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong 1 vụ tai nạn giao thông tại Lào Cai. |
Nhiều người không quên hình ảnh ông Đinh La Thăng xông phá vào các dự án, công trường, đi tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai, xử lý tại chỗ nhiều khúc mắc, nhiều rối rắm, cả những tiêu cực...
Chưa có vị Bộ trưởng nào lại ra tay “trảm tướng” mạnh mẽ như ông Đinh La Thăng chỉ vì thúc đẩy tiến độ dự án giao thông, xây dựng nhanh hơn, chất lượng hơn.
Vẫn còn đó hình ảnh ông Đinh La Thăng “quát” mạnh nhà thầu xây dựng đường sắt trên cao Hà Nội, thúc tiến độ, thúc thanh toán, thúc an toàn lao động.
Giai đoạn ông Đinh La Thăng lên làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là giai đoạn vốn nhà nước thiếu. Ông đã quyết liệt đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp, nhiều cách làm để dù vốn ngân sách bỏ ra ít nhưng công trình hạ tầng vẫn phải ra đời bằng nhiều hình thức huy động vốn táo bạo, mới mẻ.
Cũng chính ông Đinh La Thăng đã vào cuộc trực tiếp, chỉ đạo Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam một mặt khẩn trương rà soát, cùng các cơ quan chức năng làm chế độ cho các cựu Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tổ chức Quỹ tri ân và chia sẻ kêu gọi cán bộ, công nhân viên toàn ngành đóng góp nhiều tỉ đồng để ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp và hiệu quả đời sống hàng ngàn cán bộ, công nhân viên, cựu thanh niên xung phong trong nghành này.
Và cũng chính ông đã kêu gọi toàn ngành đóng góp tạo ra nguồn vốn rất lớn, xây dựng hàng trăm cầu treo cho các địa phương đặc biệt khó khăn...
Thời kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng là một thời kỳ ông thể hiện rõ sự nhiệt huyết, vừa nói vừa làm, mang lại nhiều kết quả có thể nhìn thấy. Những đóng góp đó của ông Đinh La Thăng là không thể phủ nhận!
Khi được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngay những ngày tháng đầu tiên, ông Đinh La Thăng bằng thói quen hành động tích cực, sâu sát, giải quyết công việc có lý có tình với một khát vọng to lớn mà nhân dân thành phố đều ủng hộ: Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thực sự là “hòn ngọc Viễn Đông”.
Chỉ hơn một năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, dấu ấn của ông Đinh La Thăng là không thể không ghi nhận. Dư luận, báo chí gọi ông là một “chính khách hành động”.
Nhân dân thèm khát được nhìn thấy những hình ảnh cán bộ lãnh đạo năng nổ, tận tình vì công việc, dám nói, dám làm, sâu sát, có lửa, hình ảnh ông Đinh La Thăng đã từng là một người như vậy.
Thế nhưng, thật tiếc cho những sai phạm của ông Đinh La Thăng trong quá khứ. Nhưng quá khứ là không thể thay đổi, và bất kỳ ai, cương vị nào cũng đều phải nhận trách nhiệm về hành vi của mình trong quá khứ.
Như đã nói ở trên, ông Đinh La Thăng vẫn đang là Uỷ viên Trung ương Đảng.
Chắc chắn, không vì những cú "hụt chân" vấp ngã vì kỷ luật trong quá khứ có thể làm ông Đinh La Thăng chùn bước.
Nhân dân nhìn một Uỷ viên Trung ương Đảng bằng những hành động sau vấp ngã và luôn bao dung dõi theo, động viên, tin cậy ông sẽ tiếp tục gánh vác và hoàn thành tốt trọng trách của một chính khách.
Ông đã vấp ngã khi ông là chính khách quản lý một Tập đoàn, thì bây giờ, ông Đinh La Thăng hãy đứng thẳng trên chính sự vấp ngã đó, đứng thẳng với tư thế, nhân cách, trách nhiệm của một chính khách, một Uỷ viên Trung ương, tiếp tục cống hiến, tiếp tục dấn thân vì nhân dân, vì đất nước, bài học vấp ngã chính là sức mạnh để ông trưởng thành.
Theo Nguyễn Quang Vinh (Dân Việt)