"Tôi muốn đồng đội Gạc Ma được nhắc tên trong SGK"

14/03/2016 06:57:37

Người trực tiếp tham gia trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 mong muốn sự kiện này sẽ được nêu trong sách giáo khoa ở cả 3 cấp học nhằm khẳng định tinh thần yêu nước của người Việt.

Người trực tiếp tham gia trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 mong muốn sự kiện này sẽ được nêu trong sách giáo khoa ở cả 3 cấp học nhằm khẳng định tinh thần yêu nước của người Việt.


Ông cho biết, hàng năm cứ gần ngày 14/3, những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức về trận hải chiến Gạc Ma lại ùa về, gợi cảm giác nôn nao, vừa vui, vừa buồn. Vui bởi ông đã liên lạc được nhiều gia đình liệt sĩ - đồng đội nên đây là dịp họ gặp gỡ hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống. Buồn bởi Gạc Ma vẫn còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
 
“Những ngày này, tôi thường xem lại clip hải chiến Gạc Ma mà nước mắt cứ tuôn rơi”, người cựu binh xúc động nói.

Cựu binh Lê Hữu Thảo xúc động kể lại trận chiến cách đây 28 năm. Ảnh: Quyên Quyên.

 
Rồi ông tiết lộ, niềm vui lớn nhất của mình năm 2015 là đón con trai đầu lòng khi bước sang tuổi 50: “Vợ chồng tôi đặt tên cháu là Lê Trường Sa. Cái tên được tôi ấp ủ từ lâu lắm, như lời nhắc nhở về sự kiện Gạc Ma 1988. Nó cũng có ý khẳng định Trường Sa mãi là tình yêu và máu thịt của tôi”.

Nhắc tới con, ông bảo vẫn thường nghĩ đến hình ảnh khi Trường Sa đi học, trong SGK của cháu và bạn bè có bài giảng về Gạc Ma, về Trường Sa. Lúc bấy giờ, ông sẽ tự hào kể cho con nghe về những đồng đội, những người lính không run sợ trước họng súng kẻ thù.

"Rất buồn nếu Gạc Ma không vào SGK"

Từ trăn trở đó, ông Lê Hữu Thảo luôn quan tâm tới những thông tin về tình hình thời sự, giáo dục lịch sử. Thông tin Bộ Giáo dục sẽ xem xét đưa nội dung chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa... vào SGK Lịch sử với dung lượng phù hợp đã mang lại niềm vui cho người lính Gạc Ma năm nào.

Người cựu binh chia sẻ, từ năm 2013 trở lại đây, thông tin về Gạc Ma được báo chí, truyền thông và người dân quan tâm. Trước đó, vì nhiều lý do Gạc Ma chưa được nhắc tới, khiến những người lính không khỏi chạnh lòng. Thậm chí, khi ông kể về Gạc Ma, một số người coi như “chuyện lạ”, nghi ngờ sự thật.

“Nếu như ai cũng biết đến hình ảnh chị Võ Thị Sáu Đi giữa hai hàng lính/Vẫn ung dung mỉm cười, anh Phan Đình Giót ôm bộc phá, lấy thân mình lấp lỗ Châu Mai, anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng…, thì hình ảnh về người lính Gạc Ma vẫn còn quá xa lạ”, ông Thảo chua chát nói.

Người đàn ông tuổi ngũ tuần mong muốn những người lính Gạc Ma sẽ sống giữa muôn đời khi được nêu trong trang sách. Nếu sự kiện lịch sử không được lưu giữ sẽ mai một và đến lúc nào đó nó sẽ như chưa từng tồn tại.

“Không phải ai cũng có Internet hay có tiền để đọc báo, xem truyền hình. Chỉ có sách giáo khoa là nơi kết nối, truyền tải và đi sâu vào tiềm thức của mỗi thế hệ”, người cựu binh tâm sự.

Ông đề xuất sự kiện năm 1988 có thể đưa vào SGK ngay từ cấp 1 thông qua hình ảnh trực quan, sống động về bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. Ở cấp hai, những thông tin cơ bản về trận chiến nên được cập nhật. Còn ở cấp ba, học sinh phải hiểu được tinh thần chiến đấu của người lính hải quân nói riêng và bộ đội Việt Nam nói chung trong tương quan lực lượng chênh lệch khi bị bao vây.

"Cần thêm thông tin về những người lính còn sống lúc đó đã làm gì để cứu đồng đội, qua đó khẳng định ý chí bất khuất, tinh thần yêu nước của người Việt Nam, liên hệ trách nhiệm của các em với đất nước", ông gợi ý.

Cựu binh này cho rằng việc đưa Gạc Ma vào sách giáo khoa cũng là cách bác bỏ những thông tin sai lệch đang trôi nổi trên mạng. “Lịch sử trước sau vẫn như một, cần tôn trọng, kể cả đúng hay sai, chiến thắng hay thất bại”, ông nói thêm.

Truyền tình yêu Tổ quốc

Nhớ lại trận hải chiến ngày 14/3/1988, cựu binh Lê Hữu Thảo cho biết bấy giờ ông là tiểu đội trưởng tiểu đội chiến đấu, chỉ huy cắm cờ và giữ cờ ở đảo Gạc Ma. Trong tay ông và đồng đội chỉ có hai khẩu AK, đối mặt hơn 50 lính Trung Quốc có vũ trang cùng tàu chiến yểm trợ.

Sau khi bị lính Trung Quốc nổ súng tấn công, ông Thảo bơi ra cứu đồng đội. “Nhiều anh em đã ngã xuống ngay sau những loạt đạn đầu tiên. Người này ngã xuống, người kia lại cầm cờ lao về phía cột cờ, không để rơi vào tay giặc”, ông nhắc lại hình ảnh luôn đeo bám trong tâm trí.

Nhưng trong trận chiến đấu không cân sức, 64 đồng đội của ông đã ngã xuống, nằm lại sóng nước lạnh nơi Trường Sa, có người đến bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt.

Trở về sau trận đấu sinh tử, cựu binh Gạc Ma nhận mình là người may mắn, kèm theo trọng trách truyền tải cho xã hội và thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam. Họ - những người lính tuổi đời rất trẻ - đã không hề run sợ trước họng súng kẻ thù. Họ sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa.

Trong buổi giao lưu “Năm tháng Gạc Ma” do báo Tiền Phong tổ chức, đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, xót xa nói: “Chúng ta rất cần đưa sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 vào sách giáo khoa. Đã gần 3 thập kỷ chúng ta vẫn chưa làm được điều này, tức là đã quá chậm trễ”.

Theo ông Hà, đây là sự kiện quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nên đưa vào sách giáo khoa càng chi tiết càng tốt. Nếu chúng ta không đưa vào sách thì chỉ một thời gian ngắn, sự kiện sẽ mai một, thậm chí bị lãng quên.

"Lúc đó chúng ta có tội với vong linh của 64 liệt sĩ và người thân của họ", ông Hà nói.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ bài viết với chúng tôi về thực tế vị trí của hải chiến Gạc Ma nói riêng, đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói chung trong sách giáo khoa hiện hành.

Mời đón xem bài 3: "Không có chữ đảo Gạc Ma nào trong sách giáo khoa".

>> Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma và bài học cho người trẻ

Theo Quyên Quyên (Zing.vn)

Nổi bật