Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội

31/07/2021 06:04:10

Một tuần giãn cách toàn xã hội (từ ngày 24/7 đến 30/7), Hà Nội ghi nhận tổng 434 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, các ổ dịch chưa rõ nguồn lây vẫn tiếp tục phát sinh thêm ca nhiễm.

7 ngày đầu giãn cách toàn xã hội, 434 ca dương tính SARS-CoV-2

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Trong thời điểm giãn cách, Hà Nội ghi nhận thêm một ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây, liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng). Ổ dịch này khởi phát từ một ca sàng lọc ho sốt ngoài cộng đồng, từng đến khám bệnh tại Khoa Nội 3.

Từ ca chỉ điểm, bệnh viện đã xét nghiệm toàn bộ nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đến tối 30/7 phát hiện tổng 59 ca dương tính. Từ 18h ngày 25/7, bệnh viện tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân và thực hiện cách ly y tế trong vòng 14 ngày, cho đến khi có thông báo mới của UBND quận Hai Bà Trưng.

Ngày đầu giãn cách toàn xã hội, thành phố ghi nhận số ca thấp nhất với 23 trường hợp. Các ca dương tính SARS-CoV-2 tăng dần lên, đặc biệt ngày 27/7 có tới 76 người. Đến tối 29/7, Sở Y tế chỉ ghi nhận thêm 7 ca, giảm hẳn so với các ngày trước.

Tuy nhiên, ngày 30/7 tăng vọt lên đỉnh điểm 119 trường hợp, dịch diễn biến xấu tại nhiều quận, huyện. Các chùm ca bệnh chưa qua 14 ngày liên tục ghi nhận rải rác các ca mắc mới, đặc biệt những trường hợp qua sàng lọc ho sốt ngoài cộng đồng, chưa rõ yếu tố dịch tễ.

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội
Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội trong tuần đầu giãn cách toàn xã hội (Thực hiện: Trường Dương)
Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 1
Ổ dịch mới nhất liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 2

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 3

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 4

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 5
Công tác truy vết, khử khuẩn và xét nghiệm diện rộng được tiến hành khẩn trương, cấp bách

Như vậy, đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4, Hà Nội có tổng 1.100 ca, trong đó 663 người ngoài cộng đồng và 437 người trong khu cách ly tập trung. Tính riêng từ ngày 5/7 đến tối 30/7 có 831 trường hợp.

Hà Nội có 8 chùm ca bệnh chưa xác định rõ nguồn lây và 3 chùm khác liên quan các tỉnh/thành phố có dịch. Đợt này, dịch lan ra 29/30 quận, huyện, thị xã, nhiều nhất là quận Hai Bà Trưng (120 ca), sau đó là quận Hoàng Mai (112 ca) và huyện Đông Anh (79 ca). Huyện duy nhất vẫn đang giữ vững được "thành trì" là Phúc Thọ.

Tuy chỉ mới ghi nhận gần đây, nhưng chùm ca bệnh ho sốt thứ phát ngoài cộng đồng có số ca nhiều nhất với 222. Tiếp sau đó là chuỗi lây nhiễm liên quan phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (92) và liên quan TP.HCM (90).

Ngày 26/7, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn, đặc biệt những quận, huyện xuất hiện nhiều ca mắc.

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 6
8h sáng 26/7, hàng chục xe chuyên dụng và các chiến sĩ của Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã phun khử khuẩn phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm

4 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19, xây dựng bệnh viện dã chiến chuyên điều trị ca nặng và nguy kịch

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trong cuộc họp sáng 24/7 cho biết, đợt dịch này nhiều trường hợp phát hiện qua sàng lọc ho sốt ngoài cộng đồng và không có triệu chứng. Đặc biệt, biến chủng Delta và Delta+ lây lan nhanh, chu kỳ ngắn, từ 2 - 3 ngày.

Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Trong đó, kịch bản 1.000 giường bệnh đã được thiết lập. Sắp tới, Sở tính tới phương án 5.000, 10.000, 20.000 và 50.000 giường, chia 4 tầng điều trị.

Tầng 1, 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện, Hà Nội sẵn sàng kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có 700 giường.

Tầng 2, sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền. Sở Y tế sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.

Tầng 3 và 4, gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao. Sở kích hoạt ngay Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 7
Hàng trăm công nhân xây dựng Bệnh viện Dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch

Hà Nội cũng đã bắt đầu xây dựng bệnh viện dã chiến 500 giường, đặt tại quận Hoàng Mai, chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dự kiến huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế gồm 272 bác sĩ và 680 điều dưỡng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đây.

Ngoài ra, trên địa bàn còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa tổng nguồn lực y tế gồm các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an.

Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, riêng ngành y tế Thủ đô có 412 giường hồi sức, 222 bác sĩ và trên 400 điều dưỡng có khả năng sử dụng máy thở. Bên cạnh đó, năng lực xét nghiệm hiện tại là 48.000 mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy nữa. Thành phố có 111 xe cứu thương có thể huy động để phân luồng bệnh nhân tốt nhất.

Bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Theo kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đã được thành phố phê duyệt và Sở Y tế triển khai, mục tiêu cao nhất là tiêm từ 100.000 - 200.000 mũi/ngày. Hà Nội đã khởi động 1.000 - 1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành.

Đối với những trường hợp có tiền sử phản vệ, có bệnh lý nền, người cao tuổi sẽ tiêm ở các bệnh viện, nơi có đủ trang thiết bị phòng hộ để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp có sốc phản vệ sau tiêm.

Trong tuần qua, Hà Nội đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ trước đến nay. Sở Y tế có 3 loại vaccine. Với nguồn vaccine về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới đến tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5 - 6 triệu người.

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 8
Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử

Hãy khai báo y tế, xét nghiệm khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở

Công an thành phố đã lập 29 chốt kiểm soát các cửa ngõ Thủ đô, tăng 7 chốt so với thời gian đầu; đôn đốc 4.147 cảnh sát khu vực quản lý chặt nơi cư trú; huy động 789 tổ công tác ở công an các quận, huyện, thị xã để tăng cường kiểm tra vi phạm.

Trong một tuần giãn cách, cơ quan chức năng xử phạt khoảng 7 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, như không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá, tình hình dịch bệnh trên địa bàn có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ. Một bộ phận người dân chưa tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16, còn lơ là và chủ quan.

Toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội - 9
Hà Nội khuyến cáo người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần xét nghiệm sàng lọc

Nhằm tận dụng "thời gian vàng" giãn cách, kiểm soát dịch bệnh, Hà Nội ưu tiên tối đa sức khỏe và đời sống của người dân, đồng thời đặt mục tiêu bảo vệ bằng được Thủ đô, ngăn chặn và chiến thắng đại dịch.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho phép UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17 (trên nguyên tắc Chỉ thị 16) đối với địa bàn có nguy cơ cao. Đây là thẩm quyền đã được thành phố phân cấp cụ thể.

Một lần nữa, thành phố yêu cầu người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, không ra đường khi không thật sự cần thiết. Hãy nâng cao ý thức, khai báo y tế thường xuyên, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đặc biệt những trường hợp ho, sốt, khó thở cần được xét nghiệm sàng lọc, để nhanh chóng tách các F0 ra khỏi cộng đồng.

Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật