Tính đến ngày 22/12, Việt Nam có tổng cộng 1420 bệnh nhân Covid-19, 1281 người được điều trị khỏi, 35 ca tử vong chủ yếu lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng. Hiện, 16.360 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).
Gần 1 năm kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên, trong khi nhiều nước vẫn đang căng thẳng với đại dịch toàn cầu, thì Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tín hiệu đáng mừng khi vaccine đầu tiên trong nước đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người.
2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết Canh Tý), Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống Covid-19. Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc. Trong quá trình di chuyển, lưu trú tại Khánh Hòa, họ đã lây bệnh cho một nữ nhân viên khách sạn - trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam.
Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 170/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Sau đó một ngày, Tổ chức Y tế thế giới WHO tuyên bố sự bùng phát chủng corona mới từ Vũ Hán, Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC).
Ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra. Các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu chủng virus mới này.
Đến ngày 7/2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Sự kiện này không chỉ giúp các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các bộ sinh phẩm chẩn đoán sớm bệnh viêm đường hô hấp cấp, mà còn đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Từ ngày 23/1 - 13/2, Việt Nam ghi nhận 16 người mắc Covid-19, trong số họ, 11 người sống tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam được xác lập, xã Sơn Lôi "nội bất xuất, ngoại bất nhập", 11.000 người dân phải cách ly y tế. Đến ngày 4/3, xã được dỡ phong toả sau 21 ngày.
Ngày 26/2, toàn bộ 16/16 bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 giai đoạn 1 được công bố khỏi bệnh và xuất viện.
Ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội và bệnh nhân "siêu lây nhiễm" Bình Thuận
Tối ngày 6/3, Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên, cũng là bệnh nhân thứ 17 trên cả nước. Từ đó, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 chống dịch, chủ yếu là các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài.
Bệnh nhân 17, nữ, 26 tuổi, lưu trú tại phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, trở về từ Anh trên chuyến bay VN0054 ngày 2/3. Cô lây cho 3 người khác gồm bác ruột, giúp việc và lái xe riêng. Ngay trong đêm 6/3, Hà Nội quyết định cách ly toàn bộ hộ dân từ số nhà 125-139 Trúc Bạch, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Bà L.T.H., 64 tuổi - bác gái của bệnh nhân 17, đã mất 3 tháng để "chiến đấu" với Covid-19. Ngay khi nhập viện điều trị, bệnh tình diễn biến nặng do có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình, bà phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Rạng sáng ngày 8/4, bà ngừng tim 3 lần, các bác sĩ đã thức xuyên đêm bóp tim liên tục 47 lần, kỳ tích đã đến khi nhịp tim của bà đập trở lại.
Ngày 10/3, bệnh nhân "siêu lây nhiễm" số 34, nữ, 51 tuổi, Bình Thuận, trở về từ Washington (Mỹ), nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bà đã lây cho 11 người, trong đó có 5 người thân, 3 người tiếp xúc trực tiếp (F1) và 3 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2).
Tối 11/3, WHO chính thức công bố Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) là đại dịch toàn cầu. Ngày 16/3, Chính phủ yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng tập trung đông đúc.
Ngày 18/3, Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; đồng thời hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch.
Ngày 20/3, Bộ Y tế thông báo hai nữ điều dưỡng của Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhiễm Covid-19, lần lượt là bệnh nhân 86 và 87. Đây là 2 nhân viên y tế đầu tiên nhiễm Covid-19.
Ổ dịch thứ 2 gọi tên Bệnh viện Bạch Mai với tổng cộng 46 bệnh nhân liên quan, trong đó Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ nước sôi cho bệnh viện có 27 ca bệnh.
Cùng ngày, nam phi công người Anh liên quan đến quán bar Buddha - ổ dịch thứ 3, được xác định là bệnh nhân 91. Tại đây, TP.HCM lần lượt ghi nhận thêm 18 bệnh nhân khác.
Nam phi công trải qua 110 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, từng nhiều lần "thập tử nhất sinh". Có thời điểm, hai lá phổi của anh "đông đặc", chỉ còn cơ hội cuối cùng là ghép phổi. Gần 50 người Việt Nam đủ lứa tuổi, ngành nghề, đã gọi điện tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với mong muốn được hiến tạng, cứu sống nam phi công.
Cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày
Ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống Covid-19, từ 0h ngày 1/4.
Ngày 6/4, Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân 243 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ổ dịch thứ 4 trên cả nước được xác lập, tính đến 15/4, có thêm 13 bệnh nhân được phát hiện. Kể từ ngày 8/4, thôn Hạ Lôi với khoảng 13.000 người thực hiện cách ly 28 ngày.
Ngày 15/4, Thủ tướng yêu cầu 28 tỉnh, thành phố "nguy cơ cao" và "nguy cơ" lây nhiễm tiếp tục cách ly xã hội đến ít nhất hết ngày 22/4.
Ngày 24/4, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đất nước chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch lần lượt gỡ phong toả, cả nước trở mình sang trạng thái "bình thường mới". Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị và cả kinh phí cho chống dịch. Những mô hình "ATM gạo", "ATM khẩu trang", "Siêu thị 0 đồng", "Siêu thị khẩu trang"... giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn. Nhiều chủ nhà đã miễn giảm, không thu tiền thuê trọ cho công nhân, sinh viên, người nghèo...
Nhiều chuyến bay "giải cứu" từ Việt Nam đã đi vào những tâm dịch đón sinh viên, người lao động nước ngoài trở về quê hương theo đúng tinh thần mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh "không để một ai bị bỏ lại ở phía sau" trong đại dịch Covid-19.
Bệnh nhân ở Đà Nẵng chấm dứt chuỗi 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Ngày 25/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 chính thức công bố ca bệnh 416 tại TP. Đà Nẵng, chấm dứt chuỗi 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Cả nước một lần nữa bước vào cuộc chiến với Covid-19 giai đoạn 2.
Sau 5 lần được lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Đà Nẵng, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các kết quả khắng định người này nhiễm Covid-19. Từ đây, dịch bệnh bắt đầu lan ra các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi,...
Sau khi có thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, UBND TP. Đà Nẵng đã thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Từ 0h ngày 28/7, Đà Nẵng chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16.
Sáng 31/7, Việt Nam ghi nhận số ca mắc kỷ lục: 45 bệnh nhân Covid-19 được phát hiện trong các cơ sở y tế đang được cách ly tại TP. Đà Nẵng. Họ có độ tuổi từ 27-87, trong đó 33 trường hợp tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Khách sạn thu dung cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng - quận Sơn Trà, 2 trường hợp tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng, có nhiều người cao tuổi, mang nhiều bệnh nền phức tạp, chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư... Tình trạng nguy kịch do đó đến nhanh hơn. Các thầy thuốc đầu ngành và các chuyên gia đã hội chẩn hàng ngày để nỗ lực cao nhất tìm cách điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.
Bộ Y tế đã cử đội quân "tinh nhuệ", "chưa từng có trong tiền lệ" vào miền Trung dập dịch. Gần 300 chuyên gia dầu ngành, y bác sĩ, điều dưưỡng, nhân viên y tế đền từ gần 20 đơn vị: Bộ Y tế, các Viện/Bệnh viện/ Trường ĐH và một số cơ ở y tế đã chi viện cho miền Trung.
2 bệnh nhân đầu tiên tử vong
Chiều tối ngày 31/7, Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tử vong tại Việt Nam.
Đó là bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, trú tại Phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam. Cụ ông tử vong vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19. Và bệnh nhân 437, nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Cụ có tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc Covid-19.
Đến nay, cả nước ghi nhận 35 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong, phần lớn họ đều lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng.
Đợt dịch này, Covid-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi.
Đối với những bệnh nhân có bệnh lý nền mạn tính, đặc biệt những người suy thận mạn, đã có biến chứng tiểu đường, suy tim, thì sự xâm nhập của Covid-19 chỉ như "giọt nước tràn ly". Trong những lần hội chẩn các ca bệnh nặng, các chuyên gia của Bộ Y tế đều tiên lượng họ tử vong cao.
Nam tiếp viên hàng không VNA nhiễm Covid-19 từ khu cách ly
Ngày 7/9, Bộ Y tế thông tin Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng và đã khống chế, kiểm soát thành công dịch tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý, số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM, từ ngày 14-18/11, nam tiếp viên hàng không - bệnh nhân 1342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác, vi phạm quy định tại khu cách ly tập trung, dẫn đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Sau 2 lần xét nghiệm âm tính, nam tiếp viên được về cách ly tại nhà trọ theo đúng quy định. Tuy nhiên, anh này đã vi phạm quy định cách ly tại nơi cư trú khi tiếp xúc với 3 người, đi học ĐH HUTECH và đi ăn trưa ngoài. Từ đó, nam giáo viên tiếng Anh 32 tuổi, tới sống cùng bệnh nhân, đã bị nhiễm Covid-19, trở thành bệnh nhân 1347.
Bệnh nhân 1347 sau đó lây cho 2 người khác, gồm một học viên và một bé trai 14 tháng tuổi. Từ đây, chùm 4 ca bệnh một lần nữa phá vỡ chuỗi gần 100 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam.
Hơn 170.000 học sinh, sinh viên ở TPHCM nghỉ học; nhiều địa điểm, khu dân cư, nhà hàng, cơ sở bị phong toả 14 ngày; 2.344 trường hợp F1, F2 được yêu cầu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm; các tỉnh thành kích hoạt lại hệ thống phòng chống Covid-19.
Vietnam Airlines sau đó đã có quyết định tạm đình chỉ công việc với nam tiếp viên hàng không, để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải. Thời gian tạm đình chỉ công việc từ 2/12 đến hết ngày 31/12/2020. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có quyết định tạm đình chỉ 15 ngày đối với Trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines để kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Trưa 3/12, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, chủ trì họp báo công bố khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 BLHS 2015.
Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bị xem xét xử lý hình sự.
Đến ngày 16/12, tròn 2 tuần không ghi nhận thêm bệnh nhân lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tất cả mẫu F1 liên quan đến 4 ca bệnh đều âm tính, TP.HCM cho phép gỡ bỏ phong toả các địa điểm liên quan.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, cơ bản đã kiểm soát được lây nhiễm Covid-19 tại TP.HCM. TP không phải ổ dịch, nên việc cách ly hay xét nghiệm người dân khi đến các địa phương khác là không cần thiết.
Vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam chính thức được tiêm thử nghiệm trên người
Sáng 17/12, 3 tình nguyện viên gồm 2 nam, 1 nữ, trong độ tuổi 20-25 đã chính thức được tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax của Việt Nam.
Nanocovax là vaccine do Công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu và sản xuất từ tháng 5/2020. Ưu điểm lớn nhất của Nanocovax là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (bảo quản 2°C - 8°C).
Chương trình tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax trên người gồm 3 giai đoạn, do công ty Nanogen phối hợp với Bộ Y tế và Học viện Quân y thực hiện.
Giai đoạn 1, từ 12/2020 - 2/2021, Học viện Quân y tuyển 60 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18-50, để đánh giá tính an toàn và đáp ứng sinh miễn dịch.
Các tình nguyện viên sẽ được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Đây được gọi là khám sàng tuyển, hỏi về tiền sử bệnh tật, được khám sức khoẻ (đo nhiệt độ, mạch, huyết áp,...), làm các xét nghiệm (máu, nước tiểu, siêu âm, chụp phim phổi).
Tình nguyện viên sẽ được tiêm bắp hai liều vaccine hoặc giả dược. Khoảng cách giữa hai liều tiêm là 28 ngày. Mỗi tình nguyện viên được theo dõi trong 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Giai đoạn 2, từ 2/2021 - 8/2021, tuyển 400 - 600 người (12-75 tuổi), để đánh giá tính an toàn và so sánh đáp ứng miễn dịch của 3 liều vaccine (25mcg, 50mcg và 75mcg), từ đó xác định liều dùng tối ưu của vaccine nghiên cứu.
Giai đoạn 3, đánh giá hiệu quả vaccine Nanocovax trên người khoẻ mạnh, số lượng tình nguyện viên mở rộng hàng chục nghìn người.
Dự kiến tháng 5/2021, vaccine Nanocovax được tung ra thị trường. Mỗi người dân cần tiêm 2 liều. Giá thành dự kiến 120.000 đồng/liều.
Mặc dù việc nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 bắt đầu được triển khai là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, rửa tay, tuân thủ theo quy định cách ly,…
"Trong trường hợp Việt Nam tiếp cận sớm với vaccine Covid-19 thì việc tiêm vaccine không thể bao phủ được 100% dân số. Chính vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng để chiến thắng đại dịch", đại diện Bộ Y tế nói. Nếu chúng ta lơ là, chủ quan, không tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế thì công sức của cả hệ thống thời gian qua coi như "đổ sông đổ bể".
Hiện, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 gồm các Vụ, Cục và các thành viên của Hội đồng đạo đức thuộc Bộ Y tế và Học viện Quân y.
"Trước mắt chúng ta còn cả 1 trận chiến, do đó rất cần sự chung tay, không chỉ các nhà khoa học, nhà quản lý, mà cả cộng đồng, trong đó có những người tình nguyện tham gia nghiên cứu vaccine", Bộ Y tế khẳng định.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)