“Bứt phá” điểm chuẩn
Trong bối cảnh hầu hết các trường đại học khối y-dược, công an, quân đội có điểm chuẩn hạ từ 3-5 điểm so với năm 2017, thì điểm chuẩn của không ít trường sư phạm lại tăng đáng kể.
“Bứt phá” nhất phải kể đến Đại học Sư phạm Huế, Đại học Hồng Đức, Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Năm 2018, trong số các trường thành viên của Đại học Huế, chỉ có Đại học Sư phạm Huế có mức điểm chuẩn tăng cao so với năm 2017. Năm nay, hầu hết các ngành của Sư phạm Huế đều có điểm chuẩn là 22.
Trong khi đó năm 2017, Trường ĐH Sư phạm Huế công bố điểm chuẩn trúng vào một số ngành đào tạo sư phạm là 12,75, làm rộ lên những tranh cãi về chuyện đầu vào thấp.
Tương tự với Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), năm 2017 trường lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành đào tạo với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.
Năm nay, ngành đào tạo giáo viên chất lượng cao (xét tuyển thí sinh thi THPT quốc gia 2018) đối với các ngành: Sư phạm Toán, Lý, Ngữ văn, Sử có điểm chuẩn là 24 - tức là phải đạt điểm giỏi mới trúng tuyển vào các ngành này.
Một số trường đại học sư phạm khác cũng đều có điểm chuẩn từ mức điểm sàn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trở lên - từ 17 điểm.
Với hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM, một số ngành có điểm chuẩn giảm từ 1-4 điểm so với năm 2017, nhưng vẫn nằm ở top trường có điểm chuẩn cao.
Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm nay có 4 ngành học có điểm trúng tuyển cao nhất là 27.
Trong khi đề thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là khó, số thí sinh đạt điểm giỏi giảm hơn hẳn so với năm 2017, thì việc các trường đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai có điểm chuẩn ổn định và ở mức cao như vậy là một tín hiệu vui.
Chấm dứt việc 10 điểm/3 môn cũng vào sư phạm
Năm 2017, với đề thi được đánh giá là dễ, trong khi nhiều ngành đào tạo có điểm đầu vào cao thì ngành sư phạm bị “rớt giá” vì có điểm trúng tuyển tụt lùi.
Nhất là các trường ở địa phương có điểm chuẩn thấp kỷ lục, thậm chí thí sinh chỉ cần đạt 9 điểm/3 môn cũng đỗ.
Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.
Năm nay, để nâng cao chất lượng đầu vào các trường sư phạm, Bộ GDĐT đã quy định điểm sàn riêng đối với trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.
Ngoài ra, năm nay Bộ GDĐT cũng thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, giải quyết bài toán thiếu thừa giáo viên. Đây là cách để hút người giỏi “đầu quân” cho ngành sư phạm.
Ngoài ra, theo đại diện Trường Đại học Hồng Đức – trường có điểm chuẩn “bứt phá” trong năm 2018, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, trong việc hỗ trợ việc làm đối với những sinh viên sư phạm sau khi ra trường sẽ là yếu tố quan trọng giúp điểm chuẩn của trường tăng mạnh.
“Năm nay, điểm đặc biệt trong công tác đào tạo các ngành sư phạm của Đại học Hồng Đức là ngành đào tạo sư phạm của trường sẽ chỉ tuyển sinh và đào tạo từ 10 đến 15 sinh viên theo đơn đặt hàng của tỉnh.
Đây là năm đầu tiên Đại học Hồng Đức đào tạo theo địa chỉ do địa phương đặt hàng.
Những sinh viên có tổng điểm đầu vào thấp nhất 24 điểm 3 môn, tốt nghiệp loại khá trở lên, phẩm chất đạo đức tốt sẽ được đảm bảo việc làm khi ra trường”- ông Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức thông tin.
Theo Đặng Chung (Lao Động)