Toàn bộ xe khách đã ổn định luồng tuyến

03/01/2017 07:48:00

Ngày 2/1, là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện việc điều chỉnh luồng tuyến xe khách cố định tại các bến xe. Với sự quyết liệt của Sở GTVT Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã chấp thuận chuyển hoạt động sang bến xe Nước Ngầm.

 
Ngày 2/1, là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện việc điều chỉnh luồng tuyến xe khách cố định tại các bến xe. Với sự quyết liệt của Sở GTVT Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã chấp thuận chuyển hoạt động sang bến xe Nước Ngầm.
 
Bến xe Nước Ngầm hỗ trợ lệ phí cho các nhà xe chuyển bến.
 
Theo ghi nhận của PV, từ sáng ngày 2/1 nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, … đã chấp nhận chuyển sang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình khẳng định: Toàn bộ các xe theo phân luồng của Sở GTVT đã được điều chuyển về các bến Nước Ngầm, Giáp Bát. Bến đã không nhận những xe có trong kế hoạch điều chuyển từ 0 giờ ngày 2/1. Bên ngoài bến Mỹ Đình đã căng băng rôn thông báo về việc điều chuyển các tuyến, loa phát thanh thường xuyên thông tin với hành khách.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 29/12, 100% lực lượng Thanh tra GTVT đã túc trực liên tục từ 5 giờ đến 21 giờ để đảm bảo xe khách chạy đúng luồng tuyến. Theo ông Cường, cơ bản các xe đã tuân thủ chỉ thị của Sở GTVT. “Chỉ còn một số trường hợp đơn lẻ đón khách gần bến, lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các xe về đúng bến chứ chưa xử lý”, ông Cường nói.

Trước đó, các ngày 30- 31/12/2016, nhiều nhà xe đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình kiên quyết không đón khách gây nên cảnh náo loạn và ùn ứ. Cơ quan chức năng phải điều động nhiều xe buýt miễn phí để đưa người dân từ Mỹ Đình tới các bến xe khác, không để người dân phải chờ đợi.

Một số nhà xe tỏ ra lo ngại về bất ổn khi điều chuyển luồng tuyến. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Cty vận tải và du lịch Hồng Cúc (chạy Mỹ Đình – Vinh – Nghệ An) cho biết: Năm 2007, nhà xe đã một lần chuyển tuyến từ bến xe Giáp Bát về bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, sau đó lại phải chuyển về bến xe Mỹ Đình. Thời điểm đó bến xe Mỹ Đình còn sơ khai, mất 3 năm lượng khách mới bắt đầu ổn định. Đến nay, áp lực cạnh tranh rất lớn, nhà xe phải đi vay mượn để liên tục thay mới dàn xe để đảm bảo chất lượng. “Nay lại yêu cầu chuyển bến xe, nếu ổn định thì không sao, doanh nghiệp rất lo nay ở đây mai lại đổi chỗ khác, rất khó cho doanh nghiệp”, ông Hưng nói.

Hỗ trợ lệ phí cho nhà xe chuyển bến

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Cty TNHH Văn Minh (xe chạy tuyến Mỹ Đình – Nghệ An - Hà Tĩnh) cho rằng: Khu vực phía tây thành phố Hà Nội đang phát triển mạnh với nhiều khu đô thị mới, trường học, bệnh viện. Cùng với đó, người dân miền Trung sinh sống làm việc tại khu vực này rất đông. Ông Văn ước tính, nếu theo đúng kế hoạch, di dời 75 chuyến xe/ngày tương đương trên 2.000 người sẽ bị ảnh hưởng, người dân sẽ chịu thêm gánh nặng chi phí từ xăng xe, tăng nguy cơ ách tắc giao thông, rủi ro tai nạn…

Ghi nhận ở bến xe Nước Ngầm, số lượt xe mỗi ngày tăng lên gấp đôi sau quyết định điều chỉnh của Sở GTVT Hà Nội: Từ hơn 400 lượt xe/ngày đã tăng lên hơn 800 lượt/ngày. Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông đã có mặt ở các đầu cửa ra vào, các ngã tư liền kề bến Nước Ngầm để điều tiết giao thông. Toàn bộ các xe đã vào bến theo quy định và được sắp xếp chỗ đỗ. Nhiều xe chưa kịp thay thế biển hiệu niêm yết. Trước những lo ngại của nhiều nhà xe về giá dịch vụ đắt gấp 5 -6 lần các bến khác, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm khẳng định, bến xe sẽ hỗ trợ lệ phí cho các nhà xe trong 2 tuần đầu, với những xe xuất bến không có khách sẽ được hỗ trợ 100% chi phí, xe có khách được giảm 20% chi phí xuất bến.

Sáng 2/1, sau khi kiểm tra thực tế tại Bến xe Nước Ngầm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Thực tế, dịp cuối năm lưu lượng giao thông thường tăng cao, gây nguy cơ ùn tắc lớn. Nếu muốn giảm lưu lượng phải thực hiện điều chuyển. Đây là việc khó khăn nhưng cần thiết, Hà Nội đã thông báo đến Sở GTVT các tỉnh, hiệp hội vận tải và doanh nghiệp chủ trương này. Vì mục tiêu chung, giảm ùn tắc cho Thủ đô, một số doanh nghiệp phải chấp nhận bị ảnh hưởng. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thẳng thắn: Việc các nhà xe để người dân bơ vơ ở bến xe Mỹ Đình là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi không đón nhận những doanh nghiệp đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của hành khách, nhân dân. Nếu doanh nghiệp nào còn cố tình chống đối, Sở sẽ tiến hành cắt nốt”, ông Viện nói.

“Chúng tôi không đón nhận những doanh nghiệp đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của hành khách, nhân dân. Nếu doanh nghiệp nào còn cố tình chống đối, Sở sẽ tiến hành cắt nốt”.

Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội


 

Theo T.Hoàng (Tiền Phong)

Nổi bật