Tình bạn trong bom đạn của cô bé mất chân và nhiếp ảnh gia Mỹ

30/04/2018 15:52:00

Trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam, một nhiếp ảnh gia chiến trường gặp cô bé 12 tuổi chỉ còn một chân.

“Tôi đang đi dạo trên đường phố Sài Gòn, như vẫn thường làm suốt sáu năm qua, và suy nghĩ liệu mình đã mô tả được sự khốn cùng và đau thương của chiến tranh,.. Ở một góc đường, tại trụ sở của Hội Hồng Thập Tự, hai đứa bé Việt Nam đang chơi xích đu. Đi theo hàng rào đó, tôi thấy dáng người nhỏ của các em đu về hai phía. Giờ tôi đã nhìn rõ hơn. Hai em không giống với bất kỳ đứa trẻ bình thường nào, cả hai chỉ có một chiếc chân, và đó là chân của Tròn, cô bé đang đẩy xích đu..”.

Phóng viên ảnh người Anh Larry Burrows viết như vậy trong bài phóng sự ảnh màu “Bên rìa hòa bình” đăng trên tạp chí LIFE năm 1968. Đó là lần đầu tiên họ gặp nhau. Một cô bé 12 tuổi vừa mất chân phải, và một nhiếp ảnh gia đang cố tìm cách chuyển tải hình ảnh thật nhất của chiến tranh Việt Nam đến thế giới. 

Tình bạn trong bom đạn của cô bé mất chân và nhiếp ảnh gia Mỹ
Nguyễn Thị Tròn năm 1968, ảnh: LIFE/Larry Burrows

Bà Nguyễn Thị Tròn, giờ là người phụ nữ 62 tuổi, sống ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. “Ở làng cũ của tôi (An Điền, Bến Cát, Sông Bé) có hai vùng rõ rệt, vùng giải phóng và bên Cộng Hòa. Một hôm, mấy anh lính bảo tụi tôi có thể vô vùng giải phóng thăm bà con. Vậy là tôi đi với hai đứa bạn nữa, đi lụm củi thôi. Có một chiếc xe đạp nên tôi chạy theo sau”. 

Cô bé Tròn 12 tuổi năm đó nghe tiếng người la hét và tiếng trực thăng ồn ào gầm rú. Người chạy về phía ngược lại. Cô và hai người bạn hoảng sợ chạy theo dòng người. “Rồi tôi nghe tiếng súng, lớn dữ lắm. Tôi chỉ chạy được có một đoạn, rồi gặp gốc cây nào thì trốn đại vào đó.” 

“Tôi bị bắn trúng. Nhưng lúc đó không đau gì hết", bà Tròn nhớ lại, bàn tay chạm vào quãng đùi phải, phần bên dưới đã được thay thế bằng một chi giả gần 50 năm nay. 

Trực thăng đáp xuống, và họ phát hiện nạn nhân vừa bị bắn nhầm chỉ là mấy đứa bé. “Trời ơi, lúc lên trực thăng rồi mới đau, đau dữ lắm. Đau tới độ tôi đá vào người lính giữ chặt mình. Mà đâu có bỏ chạy được”. Tròn và người bạn bị thương được đưa về Sài Gòn điều trị. Vết đạn đã làm Tròn phải cưa chân, em đến Hội Hồng Thập Tự ở đường Bà Huyện Thanh Quan chờ đo làm chân giả. Đó là thời gian cô bé được gặp Larry Burrows. 

Tình bạn trong bom đạn của cô bé mất chân và nhiếp ảnh gia Mỹ - 1
Tròn đang chờ làm chân giả, ảnh: LIFE/Larry Burrows

Trong một cuộc gặp năm 2010, tại nhà của bà Nguyễn Thị Tròn, ông Russell Burrows – người con trai của Larry Burrows kể: “Cha tôi trở về nhà ở Hong Kong, và rất hay nhắc đến Tròn với mẹ con tôi. Có lẽ vì khi ấy cô bằng tuổi tôi”. 

Larry Burrows chụp một bộ ảnh phóng sự về cô bé 12 tuổi Nguyễn Thị Tròn bị mất chân sau một trận càn trực thăng ở An Điền. Ông đến nhiều lần để nhìn thấy cô bé trầm ngâm đợi người thợ gọt cái chi giả cho mình trong xưởng mộc. Cô chơi xích đu với người bạn bị cụt cả hai chân. Cô đợi đến lượt mình thử chân mới trong ngày hẹn khám. 

Larry Burrows viết lại khoảnh khắc đó trong bài phóng sự ảnh: “Sau đó tới lượt cô bé được đo và cô bé sợ. Cô tựa đầu vào cột khi nhìn người thợ định hình cái chân từ khúc gỗ, và ngồi yên khi khuôn thạch cao được bọc quanh đầu gối. Cuối cùng, cô bé có thể đứng dậy. Cô lấy thăng bằng nhờ chiếc nạng, cắn môi và bỏ nạng ra. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đó. Nước mắt chảy dài trên má tôi, nhưng tôi chớp mắt rất nhanh để không bỏ lỡ khoảnh khắc nhìn thấy niềm vui và sự hứng khởi của cô bé”. 

50 năm sau, bà Tròn kể: “Lúc tôi làm xong chân về nhà rồi, có bữa thấy xe hơi đi qua, người phiên dịch vô hỏi má tôi phải nhà của Tròn không. Ông đến thăm, lúc nào cũng mang theo hộp nhiều đồ chơi, quà bánh rồi ở lại chơi với tôi. Ổng hiền lắm". Tình bạn của nhiếp ảnh gia chiến tranh với một đứa trẻ bị tổn thương bởi chính cuộc chiến mà ông tường thuật bắt đầu từ đó. 

Tình bạn trong bom đạn của cô bé mất chân và nhiếp ảnh gia Mỹ - 2
Bà Tròn lần giở lại những bức ảnh kỷ niệm với người nhiếp ảnh gia. Ảnh: Garry Michael Jones.

Rất nhiều lần trong đối thoại với phóng viên, bà nhắc về “ổng hiền lắm”. Người xem tạp chí LIFE năm 1968 có thể thấy bóng dáng của Larry Burrows rất nhiều trong lát cắt đời sống của Tròn. Khi cô bé ngồi nhặt rau, lần đầu tập đạp xe với chiếc chân giả, đi học cùng bạn bè với chiếc chân chưa quen, quỳ xuống trên chiếc ghế con để học bài và nghe cha giảng. Trong một bức ảnh, bà Tròn chỉ vào con búp bê với mái tóc màu vàng, và nói, đó là búp bê ông mang tới cho bà. 

Con trai Russell Burrows kể: “Tròn trở thành một phần rất quan trọng của cuộc sống cha tôi. Trong ảnh của ông, cô ấy là đứa trẻ rất lạc quan”. 

Gương mặt khác của chiến tranh

“Larry hỏi tôi lớn lên muốn làm gì. Lúc đó tôi có biết gì đâu, nhưng bị tật thế này, tôi nói muốn trở thành thợ may”. 

Năm 1970, Larry Burrows mua một chiếc máy khâu mang đến nhà cho mẹ của Tròn, và trả tiền khóa học để bà (giờ đã bắt đầu tuổi vị thành niên) có thể đi học để giúp cả nhà trang trải cuộc sống. Dù không nói được ngôn ngữ của nhau, Larry chơi với Tròn như đứa con ở nhà, gọi tên “Tròn” thật to mỗi khi bước trên xe xuống và đùa giỡn để cô bé không buồn và tủi thân vì tật ở chân mình. 

Đến năm 1972, chiến tranh trở nên ác liệt hơn, gia đình bà chạy nạn đến Dương Minh Châu, Tây Ninh. Bà kể lại: “Hồi đó, cái máy khâu quý lắm, là cả một tài sản, mình chở đi thể nào cũng bị lính bắt. Nên má tôi bảo hay là tới văn phòng nhờ ông Larry viết cho cái giấy, nói là đồ của nhà mình". Mẹ của bà Tròn tới văn phòng tạp chí LIFE tại Sài Gòn, và biết Larry Burrows đã chết vì rơi máy bay ở bên Lào. 

“Larry trở nên quá gắn bó với Tròn và cô bé cũng vậy, điều đó khiến ông lo lắng không ngớt. Ông nhận ra nếu cô bé quá lệ thuộc vào ông, cuộc đời cô sẽ khó khăn hơn khi ông rời đi. Vì thế ông cố gắng duy trì khoảng cách nhất định với cô bé, và tỏ ra như một người bác vui vẻ, và cố gắng che giấu những cảm xúc sâu trong lòng”, Trưởng văn phòng Tạp chí LIFE tên Moser nhớ lại về người phóng viên ảnh xấu số đó. 

Larry Burrows thiệt mạng trong chuyến trực thăng ở chiến trường Lào, cùng với ba phóng viên ảnh khác Henri Huet, Kent Ptter và Keisaburo Shimamoto. Thi thể của họ được truy tập về và an táng năm 2008

50 năm sau lần gặp mặt đầu tiên, bà Nguyễn Thị Tròn vẫn ngồi đạp máy khâu ở nhà riêng tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Bà sống với người cháu tên Kim Chi, làm nghề y tá. Bà trang trải được cuộc sống vừa đủ, thư thả và bán hàng quà bánh cho những đứa bé học ở ngôi trường cạnh nhà. 

Tình bạn trong bom đạn của cô bé mất chân và nhiếp ảnh gia Mỹ - 3
Bà Tròn vẫn gắn với cái nghề mà Larry Burrows cho mình từ 50 năm trước. Ảnh: Garry Michael Jones

“Tôi chưa bao giờ bỏ nghề may. Giờ tôi già rồi, thu nhập bán hàng vầy cũng đủ sống chứ không thiếu thốn gì lắm. Nhưng tôi vẫn may. Đó là nghề ông Larry cho tôi. Tôi phải làm chứ. Không có ông ấy, tôi biết làm sao...” 

Chiếc chân giả của bà Tròn phải thay lại vài lần và giờ đây đi lại đã khó khăn hơn ở tuổi già. Bà rơi nước mắt: “Tôi đã phải thay chân, phải thay đi cái chân mà ông Larry cho. Lâu quá rồi, nó cạ vào da thịt đau đớn không bước đi được nữa tôi mới thay. Nhưng tôi tiếc lắm. Đó là cái chân Larry cho tôi”. 

Trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại Sài Gòn, ở tầng hai tại chủ đề “Hồi Niệm”, người ta có thể xem thấy hàng chục tấm ảnh chiến tranh Việt Nam khốc liệt của nhiếp ảnh gia Larry Burrows. Bức ảnh chụp ông ở tuổi trung niên, gương mặt mỏi mệt đầy bùn đất, đeo khăn quàng cổ, máy ảnh và mắt kính cận dày, đứng ở một hiện thực tàn khốc và phá hủy. 

Larry Burrows đặc tả lại chiến tranh Việt Nam theo cách chưa từng có từ những năm đầu tiên mà thế giới chưa biết đến ở phần này của trái đất. Ông theo những cuộc hành quân dài, ngồi trên trực thăng với chỉ huy một trận càn, đi vào những ngôi làng ám khói và ảm đạm, chứng kiến những người lính mệt mỏi đợi chờ. Thình lình ở giữa những xấp ảnh tư liệu in màu đến tay thế giới ấy, là câu chuyện bé xíu của Nguyễn Thị Tròn - hội tụ đầy đủ tính khốc liệt và sự đau khổ nội tại của cuộc chiến. Đứa trẻ không có lựa chọn khác dù hoàn toàn vô tội. Một tương lai bị bóp méo bởi một trận súng máy bắn nhầm. Một cô bé trở thành thợ may và phải chạy khỏi quê nhà đến vùng đất xa lạ. Đặc tả đậm nét khác thường đó cùng với hàng trăm tấm ảnh khác, đã trở thành thông điệp quan trọng để thế giới thực sự nhìn thấy điều gì đang càn quét ở Việt Nam. 

Với bà Nguyễn Thị Tròn, mỗi năm trở lại Dương Minh Châu thăm bà, phóng viên lại nghe bà hỏi: “Tại sao ông ấy lại chết? Ông ấy là người tốt”. 

Và bà thường kín đáo chấm nước mắt, cố chớp mắt thật nhanh để không nhòa lệ, dường như giống Larry ngày nhìn bà có chiếc chân giả đầu tiên.

Theo Khải Đơn (VnExpress.net)