Tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại trong vụ chìm thuyền kinh hoàng trên sông Thu Bồn

10/05/2020 07:37:25

Có mặt tại hiện trường vụ lật thuyền khiến 5 người mất tích trên sông Thu Bồn (Quảng Nam), ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục nỗ lực, mở rộng phạm vi tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại.

Lời kể đầy ám ảnh của các nạn nhân sống sót

Sau gần 20 giờ nỗ lực tìm kiếm, trưa 9/5, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 đó là anh Võ Hùng Tâm (SN 2000, trú thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) trong vụ lật ghe thuyền trên sông Thu Bồn (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vào chiều qua (8/5).

Sau khi thi thể nạn nhân Tâm được tìm thấy, cơ quan chức năng đã bàn giao cho gia đình đưa về lo hậu sự. 2 nạn nhân vẫn còn đang mất tích là Đoàn Nguyễn Nhân Hiếu (SN 1993) và Lê Văn Hà (SN 1987, cùng trú tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Hiện có hàng chục phương tiện cùng hàng trăm cán bộ chiến sỹ công an, quân đội, thợ lặn được huy động phối hợp với người dân tiếp tục nỗ lực tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại. Thời điểm chiều tối 9/5, thủy triều đang dâng cao nên công tác tìm kiếm được mở rộng ra gần khu vực cầu Cửa Đại.

Tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại trong vụ chìm thuyền kinh hoàng trên sông Thu Bồn
Thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật thuyền được tìm thấy vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 9/5. Ảnh: Lê Vương

Vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự việc vừa xảy ra, anh Nguyễn Thanh Sơn (40 tuổi, trú xã Duy Nghĩa), người may mắn được cứu sống trong vụ lật ghe thuyền cho biết, sáng 8/5, cả nhóm đã mượn một chiếc thuyền gỗ chèo ra sông Thu Bồn để ra khu du lịch sinh thái Thuận Tình (TP Hội An, Quảng Nam) chơi. Tuy nhiên, khi mọi người chèo được một đoạn sông thì chủ thuyền không cho mượn nên mọi người chèo thuyền vào lại trả cho họ.

Sau đó, mọi người đã thuê ghe của anh Lê Văn Lưu ở cùng thôn để ra khu du lịch này ngồi chơi và có uống một ít bia. Một số người có đi đào một số cây trên khu du lịch này đem về làm cây cảnh.

Đến khoảng 14h30 chiều cùng ngày, tất cả 11 người đã lên ghe chèo về nhà nhưng không may, khi mọi người chèo được một đoạn trên sông Thu Bồn thì bất ngờ gặp gió mạnh, sóng lớn khiến nước tràn vào trong ghe.

"Thấy nước tràn vào ghe, tôi đã dùng cái thùng nhựa để múc nước ra nhưng không kịp, chỉ trong vài giây thì chiếc ghe đã chìm và tôi chỉ kịp nắm tay em Nguyễn Ngọc Trường. Khi cả 2 chúng tôi dần kiệt sức, Trường đã buông tay tôi rồi chìm dần xuống đáy sông… Còn tôi trôi một đoạn rất xa xuống gần tới chân cầu Cửa Đại thì được một tàu sà lan cát cứu vớt. Lúc được đưa lên tới bờ, tôi mới hoàn hồn biết mình vẫn còn sống", anh Sơn nhớ lại.

Tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại trong vụ chìm thuyền kinh hoàng trên sông Thu Bồn - 1
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam mở rộng công tác tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại. Ảnh: Lê Vương

Gương mặt vẫn còn thất thần, anh Dương Hà, nạn nhân thoát chết vụ lật ghe thuyền cho biết là anh em chú bác ruột với Nguyễn Văn Trường (nạn nhân tử vong trong vụ lật ghe thuyền). Bình thường, anh em đều đi làm, nhưng nhân dịp nghỉ việc do dịch COVID-19 nên rủ nhau đi chơi trước khi trở lại công việc.

"Khi sóng đánh mạnh vào 2 lần thì ghe bị chìm khiến tất cả đều rơi xuống sông. Thời điểm này, nước sông rất sâu và chảy xiết. Tôi chỉ biết bơi sơ sơ nên cố gắng vẫy vùng, cầm cự. Được khoảng 15 phút thì có cặp vợ chồng đi ghe qua thấy nên lại cứu", anh Hà chia sẻ.

Trắng đêm không ngủ vì quá đau buồn trước cái chết của những người bạn, anh Huỳnh Thanh Thịnh kể, trưa 8/5, anh gặp nhóm thanh niên trong thôn tại quán tạp hóa và được rủ đi cùng. Cả nhóm mua thêm hai thùng bia, thuê ghe sang khu du lịch Thuận Tình để vui chơi.

Tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại trong vụ chìm thuyền kinh hoàng trên sông Thu Bồn - 2
Gia đình nạn nhân Đoàn Nguyễn Nhân Hiếu (27 tuổi) thẫn thờ đứng trên bờ ngóng trông tin tức. Ảnh: Lê Vương

"Khi quay trở về, chiếc ghe nhôm rời bờ được khoảng 800m thì bị sóng đánh lật khiến 11 người rơi xuống nước, chiếc ghe cũng chìm dần. Giữa dòng nước mênh mông, chúng tôi mạnh ai nấy bơi vào bờ. Trong nhóm có 4 người không biết bơi nên nhanh chóng bị chìm. Tôi cùng những người bạn khác cố lấy hết sức bơi vào bờ nhưng bị nước chảy xiết cuốn đi. Trôi ra Cửa Đại khoảng 70m thì tôi được 2 ngư dân đánh cá và chủ tàu chở cát phát hiện đến cứu vớt", anh Thịnh nghẹn ngào.

Tăng chế tài xử phạt, quản lý chặt thuyền, đò dân sinh

Thượng tá Trần Công Tiết, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã huy động gần 30 ghe thuyền của các ngư dân cùng ghe thuyền của công an, quân đội và khoảng 100 người tích cực tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại trong vụ chìm thuyền kinh hoàng trên sông Thu Bồn - 3
Đoàn công tác Ủy ban ATGT quốc gia kiểm tra hiện trường vụ lật thuyền. Ảnh: Khánh Chi

Trưa 9/5, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đến hiện trường vụ lật ghe nắm tình hình, trao đổi với các lực lượng chức năng về công tác cứu hộ cứu nạn.

Ông Hùng nhận định, vụ lật ghe thuyền này cũng tương tự như vụ lật ghe thuyền xảy ra cách đây 2 tháng tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) khiến 6 người tử nạn. Các nạn nhân cũng đi trên phương tiện dân sinh, không có áo phao cũng như các dụng cụ cứu sinh nên đã dẫn đến hậu quả thương tâm.

"Tuy nhiên, ở khu vực xảy ra lần này, mặt sông rộng, nước sâu và gần cửa biển nên công tác tìm kiếm chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước sự việc lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất bức xúc vì từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm, theo quy định, kể cả đi phương tiện dân sinh cũng phải có trang thiết bị cứu sinh và có quy định về xử phạt nếu chủ phương tiện đưa phương tiện ra khai thác mà không có đầy đủ trang thiết bị này. Nhưng hiện nay, chế tài xử phạt việc không chấp hành này quá nhẹ.

Tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại trong vụ chìm thuyền kinh hoàng trên sông Thu Bồn - 4
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia (ngồi thứ ba từ phải sang) đến thăm hỏi gia đình nạn nhân vụ lật thuyền. Ảnh: Khánh Chi

"Lần này, sửa đổi Nghị định 132 (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa), riêng về chế tài xử phạt phải làm căng như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì mới được. Chế tài xử phạt nhẹ thì lực lượng chức năng xử lý cũng vất vả, người dân cũng không sợ. Qua vụ việc này, chắc chắn sẽ kiến nghị chế tài xử phạt nặng lên", ông Hùng nhấn mạnh.

Sau khi kiểm tra hiện trường vụ lật đò, ông Khuất Việt Hùng đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ 5 triệu đồng/gia đình các nạn nhân tử vong, mất tích trong vụ lật ghe. Cục Đường thủy nội địa cũng hỗ trợ 2 triệu đồng/trường hợp tử vong, mất tích.

Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tí, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra một vụ lật thuyền khiến 6 người chết.

Vào sáng 25/2, hai gia đình gồm 10 người ở thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) đã mượn ghe nhôm bơi qua sông cúng rẫy dưa nằm phía bên kia bãi bồi sông Vu Gia (xã Đại Quang, cùng huyện Đại Lộc). Đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, khi mọi người bơi ghe về đến giữa sông thì bất ngờ lập úp. Khu vực ghe lật úp có độ sâu hơn 5 m, nước xoáy.

4 người trong số đó đã tự cứu lấy nhau và bơi được, 6 người chết trong vụ lật thuyền là những người thân trong 2 gia đình. Trong đó, một gia đình có mẹ và 2 con nhỏ (4 tuổi và 5 tuổi), một gia đình có người cha và hai vợ chồng con trai.

Theo Khánh Chi (Giadinh.net.vn)