Năm 2013, TS Trần Đăng Tuấn đã có một bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo gây chấn động dư luận.
Đại ý, cho dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 60, ban hành từ 26.10.2011 về việc hỗ trợ tiền ăn 120 ngàn đồng/tháng tiền ăn trưa đối với trẻ mầm non tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các thôn xã đặc biệt khó khăn.
Ông Trần Đăng Tuấn trong một chuyến đi vùng cao |
Tuy nhiên, trong suốt mấy năm, có lẽ còn đang bận mải mê với những “trận đánh lớn”, quyết định này gần như bị bỏ quên.
Tiền, xuống đến địa phương thì tắc trong kho bạc, vì phải chờ thông tư hướng dẫn, trong khi các cháu hoặc nhịn đói, hoặc phải bỏ học.
Tôi còn nhớ trong bức tâm thư ấy, có những câu rất đau “Giả dụ nếu có chuyện vì thiếu nguồn tài chính mà chủ ý chậm ban hành thông tư, thì thưa Bộ trưởng, chúng ta liệu có thể nhìn vào mắt trẻ con mà không thấy ngượng?”.
Bức thư ngỏ đầu tiên chìm trong yên lặng.
Và phải đến sau bức thư ngỏ thứ 2, guồng máy chính sách mới thực sự chuyển động.
Hàng chục vạn học sinh. Hơn 1 vạn giáo viên. Và một chính sách trễ từ năm này qua năm khác không vì bất cứ một lý do nào.
“Chỉ trong một ngày, người ta xoay xở thế nào đó để có đủ chữ ký của 3 bộ để có thư trả lời là chính sách sẽ được thực hiện chính thức”- đến giờ, ông Tuấn vẫn nhớ như in chi tiết đó.
Những thủ tục, thường được viện dẫn bao biện cho độ trễ chính sách, hóa ra hoàn toàn không phải là vấn đề nếu như các cơ quan thực thi thực sự vào cuộc.
Căn bệnh “nợ thông tư” giờ đang quá phổ biến - ông Tuấn nói - dẫn đến thiệt hại, khổ sở cho hàng vạn, hàng triệu người dân. Nếu một ĐBQH với quyền lực giám sát trong tay thì những văn bản chất vấn chắc chắn là sẽ khác rất xa so với bức thư ngỏ của một công dân!
Bởi xét cho cùng, vấn đề không phải là tài năng hay hơn nhau ở tâm huyết nhiệt tình gì. Mà vấn đề là một đằng nói tâm huyết của 1 người, một bên nói lên tâm huyết của hàng vạn, hàng triệu người”- ông nói
Sao phải hỏi dân
Chúng tôi ngồi trong một quán cafe rợp bóng cây xanh trên đường Hoàng Hoa Thám, đối diện trụ sở Đài Truyền hình kỹ thuật số AVG nơi ông đang làm việc.
Và câu hỏi của tôi là về vụ 6.700 cây xanh bị đốn hạ, về bức thư ông gửi Chủ tịch Thành phố.
Năm 2015, ông Trần Đăng Tuấn, với tư cách là một công dân ghi địa chỉ (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng đã gửi một bức tâm thư tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội xung quanh sự kiện đốn hạ 6.700 cây xanh nêu ra mấy kiến nghị:
“Tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó, để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không”.
“Nếu thoả đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại”- ông viết trong thư.
Tôi sẽ không kể dài dòng những điều xảy ra sau đó. Chỉ xin nói tới một chi tiết không nhỏ. Ấy là trong cuộc giao ban Thành ủy một ngày tháng 3.2015, khi báo chí đặt vấn đề bức thư ông Tuấn gửi Chủ tịch UBND TP, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy khi đó là ông Phan Đăng Long đã nhắc đi nhắc lại rằng: “Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân”.
Và ông khẳng định “anh (tức anh dân Trần Đăng Tuấn đó- PV) không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi”.
Một công dân- thật đáng tự hào về điều đó- thì cơ quan nhà nước không có trách nhiệm phải quan tâm, phải trả lời?
Thật đáng tiếc, ông Phó Ban Tuyên giáo chỉ đang là người nói ra cái suy nghĩ thật và thực tế là cách đối xử với dân- đang tồn tại trong không ít cán bộ của bộ máy nhà nước.
“Anh nghĩ khi là ĐBQH thì tiếng nói đối với những vấn đề dân sinh của anh sẽ có trọng lượng hơn?”- tôi hỏi ông.