Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẵn sàng vào cuộc
Ngày 11/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ xây dựng, bàn giao bệnh viện dã chiến Tiên Sơn để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bà Trần Thanh Thuỷ, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - Giám đốc bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, cho biết về chuyên môn cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ để vận hành bệnh viện. Sở đã chuẩn bị nhân lực và đã huy động 200 cán bộ y tế, 200 sinh viên.
Những người này đã được tập huấn, xét nghiệm có kết quả âm tính với Covid-19. Sở đang rà soát để sắp xếp theo ca kíp làm việc. Họ sẽ làm việc theo tinh thần chuyên môn, liên tục với 3 ca, 4 kíp. Sau khi kết thúc làm việc, họ sẽ được về nghỉ ngơi tại khu vực được bố trí riêng biệt theo từng kíp để đảm bảo không ảnh hưởng đến kíp khác.
Theo bà Thuỷ, trang thiết bị máy móc phục vụ cho bệnh viện cũng đã có sự chuẩn bị và được tập kết tại bệnh viện dã chiến. Bệnh viện đang tổ chức sắp xếp theo từng khu theo hoạt động chuyên môn.
"Ngày 10/8, chúng tôi đã tiến hành diễn tập theo các tình huống. Chúng tôi sẽ tiếp tục diễn tập cho anh em làm quen với tổ chức, sơ đồ ở đây, làm quen với việc thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn y tế", bà Thuỷ nói.
Theo bà Thuỷ, vướng mắc còn lại của bệnh viện dã chiến Tiên Sơn là vấn đề xử lý chất thải. Việc này đang đợi ý kiến từ Sở Tài nguyên môi trường. Công an Đà Nẵng cũng đang phối hợp để lên phương an PCCC và cứu hộ cứu nạn.
Bệnh viện thông minh nhất Việt Nam
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ chỉ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 dạng nhẹ và vừa. Trang thiết bị y tế đã tập kết đủ gồm có máy X-Quang, xe X-Quang di động, máy siêu âm, điện tim, hệ thống xét nghiệm sinh hoá huyết học… Hiện, máy móc y tế đã có đủ và các y bác sĩ đang chuẩn bị vận hành.
"Đây có thể là bệnh viện thông minh nhất Việt Nam vì hoàn toàn không dùng giấy tờ. Toàn bộ thông tin đều được lưu trên hệ thống vi tính và đầu đọc mã vạch", bà Yến tiết lộ.
Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết phần lớn trang thiết bị ở đây được điều từ bệnh viện Đà Nẵng cũng như được các doanh nghiệp hỗ trợ. Các thiết bị như máy vi tính, máy in, ga giường, gối, suất ăn… cũng được các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ông Quảng đánh giá rất cao quá trình tổ chức triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến. Theo ông Quảng, đây là 1 quyết định quan trọng của Đà Nẵng để phục vụ tốt cho việc chống dịch.
"Mong ước lớn nhất của lãnh đạo và nhân thành phố là bệnh viện sẽ không đón tiếp bệnh nhân. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bệnh, không có gì chúng ta không có sự chuẩn bị.
Các bệnh viện khác vẫn còn đủ điều kiện thu dung bệnh nhân nhưng phải đảm bảo cho các bệnh nhân nặng và các bệnh nhân không có bệnh lý nền có sự phân hoá để có cơ chế điều trị, tập trung nguồn lực tốt hơn. Các bệnh viện khác có thể để tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, ở đây chúng ta điều trị cho bệnh nhân nhẹ không có các bệnh lý nền", ông Quảng chia sẻ.
Theo Đình Thức (Tổ Quốc)