Buổi tọa đàm trực tuyến vào chiều ngày 24/09 "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?" do báo Đại đoàn kết tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Buổi tọa đàm với sự tham gia sự trao đổi của ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khoá XIV; Đại tá, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh cùng nhiều khách mời là người nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện như MC Phan Anh, Thái Thùy Linh.
Trước câu hỏi về góc nhìn pháp lý với câu chuyện "cá nhân làm từ thiện", Tiến sĩ Luật Lưu Bình Nhưỡng đã chia sẻ: "Hiện nay chúng ta có nhiều quy định về việc làm từ thiện như Nghị định 64/2008 về việc Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và Nghị định 93 về Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Tuy nhiên, lại thiếu quy định về cá nhân làm từ thiện."
Cùng với đó, ông cũng chỉ ra những cách đi làm từ thiện của cá nhân mình:
"Tôi đi làm từ thiện theo cách của tôi, vì chúng tôi là những con người hiểu pháp luật nên chúng tôi không thể làm như Phan Anh, Thái Thùy Linh hay Thủy Tiên được. Tôi đi làm từ thiện vẫn phải nhân danh người đóng góp tiền chứ tôi không cầm một đồng xu nào.
Các đại biểu quốc hội dựa vào uy tín cá nhân vận động doanh nghiệp đi ủng hộ. Chúng tôi có thể xin cùng lúc mấy chục căn nhà. Nhưng xin theo cách như này: Xin cho bà con ở tỉnh này mấy chục căn nhà, nhờ doanh nghiệp giúp thì doanh nghiệp sẽ liên hệ với MTTQ hoặc đoàn đại biểu địa phương để tiến hành xây nhà chứ chúng tôi không bao giờ cầm tiền."
Cùng với đó, ông cũng khẳng định, việc từ thiện cũng cần được thực hiện một cách có lý trí nếu không rất dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật bất kể có trục lợi hay không:
"Từ thiện liên quan đến lòng tốt, uy tín nhưng nếu chúng ta hiểu quyền và nghĩa vụ một cách lý trí thì câu chuyện sẽ khác. Lòng tốt không phải là thứ vô hạn về không gian và thời gian. Chưa cần nói đến vấn đề có trục lợi hay không thì việc cá nhân đứng ra vận động thành lập một quỹ riêng chính thức đã là vi phạm pháp luật.
Có những người không hề trục lợi nhưng vẫn là vi phạm pháp luật. Cho nên lòng tốt nếu chúng ta thiếu lý trí sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội. Đôi khi chính lòng tốt lại là nguồn nguy hiểm cao độ về vi phạm."
Tiến sĩ Luật Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu ra những quan điểm liên quan đến pháp luật về vấn đề cá nhân làm từ thiện:
"Thứ nhất phải khẳng định làm từ thiện là vấn đề mang tính trách nhiệm xã hội và tôi cho rằng việc dựa trên uy tín của người nổi tiếng là điều đáng hoan nghênh, xã hội cần xã hội hóa về từ thiện chứ không chỉ có mặt trận hay hội chữ thập đỏ. Điều quan trọng chính là phải tạo được cơ chế pháp lý.
Tạo ra cơ chế để chúng ta thực hiện có hiệu quả, tôi là cá nhân, tôi có quyền làm việc tốt, tôi có quyền đóng cho bất kỳ ai. Không thể bắt buộc tôi đóng cho một người nào đó vì chưa chắc người đó đã tạo lòng tin cho tôi bằng người khác." - Ông cho rằng niềm tin là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình làm từ thiện.
"Thứ hai, pháp luật cần quy định rõ những người nào đủ năng lực để làm và làm bằng cách nào, phương thức người ta làm và phải hướng dẫn chứ không thể để người dân mò mẫm. Phan Anh hay Thủy Tiên đều là mò mẫm.
Khi Thủy Tiên rộ lên câu chuyện từ thiện, tôi có nói bên hành lang Quốc hội một ý nhưng dường như Thủy Tiên chưa hiểu. Thủy Tiên tốt nhất nên phối hợp với các tổ chức cá nhân chứ nếu làm một mình sẽ rất vất vả và có thể dẫn đến rủi ro."
Ông Lương Bình Nhưỡng cũng nêu những ví dụ đã làm tốt trong công tác từ thiện:
"Ví dụ như ông Đoàn Ngọc Hải hiện nay, anh hằng ngày không cần sao kê mà công bố luôn, hôm nay chi bao nhiêu anh công bố hết. Đoàn Ngọc Hải đã giúp không biết bao nhiêu người. Đặc biệt, vì mối quan hệ thân tình mà Đoàn Ngọc Hải đã làm rất tốt cho các bà con dân tộc thiểu số.
Chúng ta phải tạo điều kiện cho họ chứ không phải bắt buộc sao kê. "
Cùng với việc tạo ra cơ chế đem lại điều kiện thuận lợi cho người làm từ thiện, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ rõ quan điểm cần phải có quy định để xử lý các hành vi vi phạm:"Phải để cho người đi làm từ thiện biết nếu như bản thân làm lệch khỏi quy định là sai và sẽ bị xử lý vi phạm. Chúng ta tạo điều kiện cho người ta làm nhưng đồng thời cũng phải có cơ sở để kiểm soát. Nhà nước không thể không kiểm soát.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thái độ cực đoan cho rằng, để tránh tình trạng dẫn đến tiêu cực, trục lợi thì tốt nhất không cho cá nhân làm từ thiện. Tôi cho rằng đây là quan điểm cực đoan và đi ngược lại hoàn toàn với những điều thiện nguyện mà chúng ta cho rằng làm từ trái tim. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không quản lý được, ta bất lực hoàn toàn nên mới cấm tất cả như thế.
Quan điểm của tôi là xã hội hóa công tác từ thiện nhưng phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát điều đó."
Khi nhắc đến sự việc của nghệ sĩ Hoài Linh, ông Lương Bình Nhưỡng cũng đưa ra những nhận xét của bản thân dưới quan điểm pháp luật:
"Ví dụ như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh , nghệ sĩ đưa ra rất nhiều lý do, như thế có vi phạm pháp luật hay không? Thực sự đây vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, trên mạng vẫn đang cãi nhau về điều đó.
Còn để dẫn ra một luật cụ thể là giữ tiền trong bao nhiêu lâu là hành vị chiếm đoạt tài sản thì hình như tôi chưa thấy ở đâu trả lời cụ thể về điều đó".
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn chia sẻ: Có những thứ không bàn đến thời gian. Nhưng ở trường hợp của Hoài Linh thì anh ấy vận động vì mục đích gì? Vận động vì mục đích bão lũ thì chỉ giải quyết trong bão lũ.
Nếu qua rồi mà anh vẫn cầm tiền thì người ta không chấp nhận. Chúng ta phải hiểu mục đích là rất quan trọng. Anh ấy phải giải ngân ngay chứ. Kể cả anh ấy chồng thêm lãi cũng không được..."
Những ý kiến trên quan điểm luật pháp của tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng đã giúp cho chúng ta phần nào hiểu hơn về các vấn đề liên quan đến việc cá nhân thực hiện từ thiện gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Theo PV (Pháp Luật & Bạn Đọc)