Tiêm vắc-xin không phải là 'trào lưu, khoe mẽ', đó là chia sẻ để chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch

02/07/2021 07:03:35

Trước những dư luận trái chiều về việc đăng ảnh tiêm vắc-xin lên mạng xã hội, nhiều người tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: Liệu tiêm vắc-xin có phải là một trào lưu khoe mẽ không hay chúng ta đang tạo ra những thực hành tốt để thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia tiêm chủng?

Sự xuất hiện những luồng ý kiến cho rằng: Tiêm vắc-xin Covid-19 đang trở thành một trào lưu "khoe mẽ", và tạo tâm lý tị nạnh với người được tiêm và người chưa được tiêm. Ý kiến này đã tạo ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội, khi có quan điểm cho rằng việc đăng hình ảnh tiêm chủng lên mạng xã hội tại Việt Nam không đáng hoan nghênh vì mang nhiều yếu tố tiêu cực. Các yếu tố tiêu cực được chỉ ra bao gồm việc bài đăng hình ảnh đi tiêm sẽ tạo ra tâm thế “tị nạnh” giữa người chưa được tiêm và người được tiêm, gây lộ thông tin cá nhân trên giấy tiêm chủng, ảnh hưởng đến các bác sĩ, nhân viên y tế… Từ những tác động tiêu cực trên, người ta hàm ý nhắm tới việc đăng ảnh tiêm vắc xin là một “trào lưu khoe mẽ” khi người đăng không lường trước được tác động tiêu cực mình có thể gây ra cho những người xung quanh.

Tâm lý tị nạnh?

Nếu đặt lên bàn cân giữa một bên tam gọi là lợi ích và một bên tạm gọi là mặt trái của việc đăng ảnh, người ta sẽ hiểu hơn phần nào câu chuyện đăng ảnh đi tiêm vắc-xin Covid có phải là trào lưu, khoe mẽ không.

Ở thời điểm hiện tại, tuy đại dịch Covid-19 đang gây nhiều xáo trộn tới cuộc sống của người dân Việt, những con số tử vong vì dịch bệnh không lớn so với nhiều nước trong khu vực và chủ yếu ở những người có tiền sử bệnh nền. Nói vậy không có nghĩa là Covid-19 không nguy hiểm nhưng điều khiến nhiều người lo lắng nhất không phải là tử vong do thiếu vắc-xin mà nằm ở việc cuộc sống không trở lại được bình thường, xáo trộn từ đời sống cá nhân cho tới công việc làm ăn và kinh tế.

Tiêm vắc-xin không phải là 'trào lưu, khoe mẽ', đó là chia sẻ để chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch

Nếu xét trên bình diện này, tiêm vắc-xin sớm không tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt cuộc sống quá đáng kể khi việc dãn cách được áp dụng với tất cả cộng đồng. Bạn được tiêm vắc-xin không đồng nghĩa với việc bạn có thể ra ngoài tự do, đi chạy trong công viên hay ăn nhà hàng bình thường. Dù tiêm vắc-xin sớm, bạn phải chờ cả thành phố lắng dịch, cuộc sống trở lại bình thường chung cho tất cả mọi người. Vậy rõ ràng, sự tị nạnh ở đây không phải một vấn đề cấp thiết nhất.

Có chăng, sự tị nạnh có thể tồn tại ở việc phân bổ vắc-xin. Hiện nay, nhà nước và các cơ quan chức năng đã phân định rõ 11 nhóm sẽ được ưu tiên tiêm trước tại Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với một cuộc tiêm chủng quy mô lớn như vậy, việc đảm bảo một cách công bằng 100% gần như rất khó khi mục tiêu chính là càng để nhiều người dân được tiêm càng tốt. Với việc phân định rõ 11 các nhóm ưu tiên cùng các văn bản chỉ đạo bổ sung trong các trường hợp đặc biệt, những nhầm lẫn trong việc phân bổ vắc-xin đã được hạn chế đến mức tối thiểu.

Tiêm chủng là cùng chung vai với cả nước

Ngược lại với những tiểu tiết từ câu chuyện “trào lưu khoe mẽ” tiêm chủng, rõ ràng việc khuyến khích người dân tham gia vắc-xin đang là chủ trương được nhiều người hưởng ứng.

Tiêm vắc-xin sớm không hoàn toàn là câu chuyện “màu hồng” khi tâm lý của đại đa số mọi người đều có phần e dè trước một vài rủi ro đáng tiếc từng ghi nhận tại Việt Nam sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, như hầu hết các chuyên gia y tế trên toàn thế giới nhận định, tiêm chủng vắc-xin sớm sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn gấp nhiều lần so với việc chậm trễ. Khi những người tiêm vắc-xin sớm cùng chia sẻ hình ảnh đẹp, đi cùng với lời động viên tích cực, thông điệp mạnh mẽ, họ đang cùng chung vai với cả nước vì một sứ mệnh cao cả. Việc chụp ảnh đăng lên Internet không xứng đáng bị gọi bằng cái tên “trào lưu khoe mẽ” khi ngược lại, nó đang cộng hưởng thành một làn sóng tiêm chủng tích cực để người dân có những hiểu biết chính xác hơn về việc tiêm chủng.

Tiêm vắc-xin không phải là 'trào lưu, khoe mẽ', đó là chia sẻ để chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch - 1

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, ước tính cần 70% dân số được tiêm chủng. Con số này nếu Việt Nam muốn đạt được trong năm 2021 sẽ là một cuộc chạy đua thần tốc, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên: Những cơ quan y tế và Chính phủ tìm đủ mọi nguồn vắc-xin cung ứng trong nước, các cơ quan ban ngành địa phương ra sức triển khai nhanh chóng và đồng loạt, người dân đồng lòng và có niềm tin vào sự thành công trong công tác phòng dịch. Một mắt xích đứt gãy - như sự e ngại của người dân, có thể khiến công sức của nhiều người đổ sông đổ biển.

Đừng đặt ra tiêu chuẩn kép cho việc đăng hình tiêm chủng khi các nguyên thủ, những lãnh đạo cấp cao vén tay áo với những mũi tiêm đầu tiên được coi là hình mẫu để noi theo của người dân đăng ảnh đi tiêm về lại bị gán cho cái mác khoe mẽ.

“Name and shame” những người tiêm chủng

Khi gọi việc chụp ảnh đi tiêm chủng đăng lên mạng xã hội là “trào lưu, khoe mẽ”, tác giả đã vô tình “name and shame” - điểm mặt chỉ tên, công kích công khai những người tiêm vắc-xin. Trước một bài báo như vậy, việc chụp ảnh đăng lên mạng xã hội là chuyện bình thường - hoặc ít nhất không có nhiều vấn để lớn để rùm beng trên truyền thông. Sự hoài nghi của cộng đồng không tự nhiên mà có; nó được tạo ra khi một người “tiêm” vào đầu họ những chữ “tị nạnh, trào lưu, khoe mẽ, phân biệt đối xử.” Những người đi tiêm chủng và đăng ảnh tự nhiên trở thành đối tượng của vô vàn chất vấn: Tại sao họ được đi tiêm trước? Đi tiêm chủng về khoe ảnh làm gì?

Những người đã đăng ảnh cảm thấy không thoải mái còn những người chưa đăng cảm thấy canh cánh một nỗi lo, liệu mình có bị cộng đồng chỉ trích không? Nếu lo sợ việc đăng ảnh tiêm chủng sẽ dễ dẫn đến lộ thông tin cá nhân, việc “cư dân mạng” bắt đầu sục sạo, truy vết xem đối tượng này có phải được ưu tiên không sẽ còn tạo ra một vụ tấn công thông tin cá nhân nguy hiểm hơn.

“Tôi có lỗi lầm gì khi thuộc diện ưu tiên hay sống trong các khu vực cần được tiêm chủng trước để các nhà máy có thể hoạt động, các mắt xích xung yếu của thành phố có thể được nối lại, và những đầu tàu kinh tế lại được khởi động để kéo cả thành phố theo?’’

Tiêm vắc-xin không phải là 'trào lưu, khoe mẽ', đó là chia sẻ để chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch - 2

Chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc bêu rếu công khai như vậy trong mùa dịch bệnh. Nhà nước đã phải thông báo không đưa ra lịch trình của người bệnh công khai để tránh cho các bệnh nhân bị kỳ thị, nhiều người đã phải xấu hổ khi lỡ công kích người thanh niên đi xe máy đến phát gạo từ thiện, cho rằng ăn mặc sạch sẽ tinh tươm đi xe máy thì không phải người nghèo. Đối mặt với bản án lây nhiễm Covid, một tiếp viên hàng không còn phải đối mặt với “bản án” từ cộng đồng mạng về xu hướng tính dục.

Tất cả những điều đó đều không đáng xuất hiện khi chúng ta vẫn mong chờ một cộng đồng tương trợ, tử tế, giúp đỡ nhau qua mùa dịch bệnh.

Tiêm vắc-xin không phải là 'trào lưu, khoe mẽ', đó là chia sẻ để chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch - 3

Đi qua mùa dịch, chúng ta chỉ mong mỗi sớm thức dậy, thấy bản tin Covid thông báo số ca hôm nay ít đi, số người được tiêm vắc xin nhiều hơn, có thêm vài cơ sở phát cơm miễn phí cho người nghèo hay thêm những sáng kiến để cộng đồng cùng dìu nhau qua mùa dịch. Nếu có ý tốt, hãy nhẹ nhàng nhắn nhủ với những người đăng ảnh đi tiêm chủng rằng bạn hãy gửi đi một thông điệp tích cực, che bớt thông tin cá nhân, thể hiện sự cảm thông và đồng lòng với cộng đồng, đừng hơn thua với nhau một mũi tiêm vắc-xin.

Vì một người khỏe mạnh, cả cộng đồng mới sớm được bình an qua dịch bệnh. Đừng kịch tính hóa câu chuyện đăng ảnh vắc-xin lên mạng xã hội và thấu hiểu, lắng nghe nhiều hơn.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)