"Người bệnh Việt nam bị "hành" nhiều hay ít trong các bệnh viện, một phần phụ thuộc vào sự hiểu biết và tính trách nhiệm của các quan chức, khi họ phát biểu về ngành y".
Chiều 20/9, góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kể một câu chuyện về nạn tham nhũng vặt: "Bạn tôi rớt nước mắt vì khi vào viện, anh quên đưa tiền nên mẹ anh bị tiêm đau. Bản thân tôi khi sinh cháu trong viện, nếu không bỏ tiền trong tã thì tắm không sạch". Phát biểu đầy tính hình ảnh này lập tức gây xôn xao dư luận, tạo ra nhiều ý kiến tranh luận, đặc biệt trong cộng đồng những người làm trong ngành y tế. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng tải bài viết của bác sĩ Võ Xuân Sơn... |
Tôi đã từng mổ cho một bác sĩ đương kim trưởng khoa Ngoại của một bệnh viện. Đoạn trong phòng mổ thì không kể, bởi vì vô đó thì gần như ai cũng sợ. Chuyện khôi hài xảy ra ở phòng bệnh, vì anh ấy quá sợ chích thuốc.
Mỗi khi chích thuốc cho anh ấy là một lần náo loạn cả khoa. Không một điều dưỡng nào có thể chích được cho anh ấy. Vợ anh ấy - là bác sĩ trưởng khoa nhi cùng bệnh viện, ngày 2 buổi, thực hiện màn rượt bắt và đè anh ấy ra để chích thuốc!
Lý do đau và sợ đau không phải là do không có phong bì lót tay
Câu chuyện tôi kể về anh bác sĩ sợ bị chích, vợ anh ấy phải rượt chích cho anh ấy là câu chuyện có thật. Và tôi tin là một số người chứng kiến câu chuyện ấy cũng đọc được status đó của tôi.
Tôi tin rằng trong câu chuyện nói trên, lý do đau và sợ đau không phải là do không có phong bì lót tay như bà Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đã tuyên bố.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. Ảnh: Báo Giao Thông |
Đau là một cái gì đó không rõ ràng, không cầm nắm được, không chụp lại được bằng hình ảnh... Cho đến nay, những gì người ta ghi nhận được về đau đều là những hậu quả của nó, như là mạch nhanh, nồng độ một vài chất tăng lên trong máu...
Đau là sự cảm nhận của hệ thần kinh của con người. Nhiều khi, đó là một cảm giác không có thật. Hiện tượng "chi ma" minh chứng điều đó. Có người đã bị cắt mất chân, nhưng vẫn cứ có cảm giác đau ở ngón cái của chân đã bị cắt.
Nhưng đau cũng là một hiện tượng có thật. Rõ ràng là khi có vật gì đâm vào da, hoặc cắt da, hoặc gây gãy xương, hầu hết chúng ta đều đau. Đó là lí do ngành gây mê ra đời. Người ta phải tìm cách làm cho người bệnh không còn cảm thấy đau để các bác sĩ tiến hành những thủ thuật cần phải banh da, xé thịt, hoặc "quậy" trong "lục phủ ngũ tạng"...
Như vậy, đau là cảm giác chủ quan của mỗi người. Cảm giác đau phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sự sợ hãi góp phần làm cho đau gia tăng. Nếu làm giảm đi sự sợ hãi, chúng ta sẽ phần nào làm giảm được cảm giác đau đớn.
Chích đau hay không đau, một phần phụ thuộc vào thái độ của nhân viên y tế
Một trong các minh chứng cho việc đau phụ thuộc vào sự sợ hãi là khi mổ nội soi thoát vị đĩa đệm. Da, cơ, dây chằng, xương... là những tổ chức có chứa các thụ cảm, cảm nhận được cảm giác đau. Còn đĩa đệm, nhất là nhân nhầy và bao xơ, lại không có các thụ cảm thần kinh đó.
Vì vậy, khi mổ nội soi thoát vị đĩa đệm đường qua lỗ liên hợp, các bác sĩ chỉ cần gây tê da, cơ dọc theo đường đi của ống nội soi, còn đĩa đệm thì hoàn toàn không cần gây tê. Nếu có cách làm cho bệnh nhân giảm bớt lo lắng, sợ hãi, bệnh nhân sẽ hoàn toàn không thấy đau đớn gì.
Tôi đã từng có bệnh nhân, đang được mổ thoát vị đĩa đệm mà còn hát theo bản nhạc phát ra trong phòng mổ. Thế nhưng, cũng có một vài bệnh nhân quá sợ hãi. Dù họ không cảm nhận được việc bác sĩ đang cắt, kẹp... cái đĩa đệm của họ, nhưng vẫn kêu đau dữ dội. Họ sẽ không kêu đau khi nghĩ rằng chúng tôi đã ngưng mổ (cho dù chúng tôi vẫn đang mổ).
(Ảnh minh họa) |
Nói tóm lại, đau vừa có thật lại vừa không có thật. Đau và cường độ đau phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của mỗi người. Nhân viên y tế có thể làm giảm sự sợ hãi, giảm cảm nhận đau đớn của người bệnh bằng sự ân cần, chu đáo, sự quan tâm chăm sóc... hoặc các thủ pháp phân tán sự chú ý của người bệnh.
Do vậy, chích đau hay không đau, nói cho đúng hơn là người bệnh cảm thấy đau ít hay đau nhiều, cũng một phần phụ thuộc vào thái độ của nhân viên y tế. Nhân viên y tế và các bệnh viện cần thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau của người bệnh, làm cho người bệnh tin tưởng rằng họ đang được quan tâm, chăm sóc, để giúp họ giảm đi sự sợ hãi, từ đó, giảm được cảm giác đau đớn.
Người bệnh có suy nghĩ tích cực về nhân viên y tế sẽ ít bị đau hơn
Tuy nhiên, những cố gắng của nhân viên y tế chỉ làm giảm được nỗi sợ hãi ở một mức độ nào đó, từ đó, cũng chỉ làm giảm cảm giác đau ở mức tương ứng mà thôi. Nỗi đau còn lại nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ đau ban đầu của người bệnh.
Khi người ta làm giảm 60% khối lượng của một ly nước 500ml, thì phần còn lại sẽ là 200ml. Trong khi đó, với một thùng nước 20 lít, thì sau khi giảm được 60% thể tích, lượng nước còn lại sẽ là 8 lít, gấp 40 lần thể tích còn lại trong ly.
Do vậy, khi người bệnh vào bệnh viện với một tâm thế, rằng nếu không lót tay cho nhân viên y tế sẽ bị chích đau, thì mức độ sợ hãi sẽ đẩy cảm giác đau lên rất cao. Dù nhân viên y tế có cố gắng đến đâu thì cảm giác đau thực sự sẽ vẫn còn rất lớn.
Tương tự vậy, nếu người bệnh có suy nghĩ tích cực về nhân viên y tế, họ sẽ ít bị đau hơn.
Người bệnh Việt nam bị "hành" nhiều hay ít trong các bệnh viện, một phần phụ thuộc vào sự hiểu biết và tính trách nhiệm của các quan chức, khi họ phát biểu về ngành y.
Theo BS Võ Xuân Sơn (Soha/Trí Thức Trẻ)