Tỉ lệ gia đình văn hóa ở “Thành phố đáng sống” thấp nhất nước vì không chạy theo thành tích - Ảnh: Hữu Khá |
Trả lời phóng viên, ông Chiến cho biết tỉ lệ gia đình được công nhận là “gia đình văn hóa” ở Đà Nẵng nhiều năm qua chỉ đạt con số 75,1%, thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố lớn khác như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế...
Theo ông Chiến, sở dĩ Đà Nẵng đạt chỉ tiêu thấp nhất nước, do ngoài tiêu chí của trung ương, TP đã bổ sung thêm một số tiêu chí riêng khi xét tặng gia đình văn hóa và kiên quyết không chạy theo thành tích ảo.
Hiện tiêu chí công nhận gia đình văn hóa của trung ương quá thoáng, ví dụ gia đình sinh con thứ ba; gia đình có người mắc các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc; không thực hiện nghĩa vụ quân sự; vi phạm pháp luật phải chịu xử phạt hành chính trở lên… chỉ bị trừ điểm thi đua chứ không bị loại khỏi danh sách đề cử xét tặng.
Câu lạc bộ giúp thanh thiếu niên “chậm tiến” ở P.Nại Hiêng Đông, Q.Sơn Trà đang trò chuyện giúp nhau tiến bộ - Ảnh: Hữu Khá |
Còn đối với TP Đà Nẵng, nếu gia đình nào “dính” các vi phạm trên thì sẽ không được xét công nhận gia đình văn hóa.
"Gia đình có người đi tù, mắc các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc, vi phạm pháp luật…mà được công nhận gia đình văn hóa thì thật là vô lý. Cho nên những năm qua ngành văn hóa Đà Nẵng đã tham mưu và UBND TP đã đồng ý bổ sung thêm các qui định để công nhận gia đình văn hóa", ông Chiến nói.
"Chúng tôi cố gắng làm thực chất hơn và rất sợ căn bệnh thành tích. Chúng ta công nhận thế nào để tỉ lệ gia đình văn hóa mà cho dân thấy rằng giữa thực tế xã hội và số lượng gia đình văn hóa tương đồng với nhau.
Trong giai đoạn 2005 -2010, tỉ lệ gia đình văn hóa ở Đà Nẵng là 86%, từ 2011 -2014 đạt 75,1%, riêng trong năm 2015 đạt 78,9%. Thời gian tới TP sẽ tiếp tục tăng thêm các tiêu chí đánh giá phù hợp hơn. Đặc biệt, đánh giá sát thực tế và thực chất hơn nữa trong việc công nhận gia đình văn hóa. |
Theo Hữu Khá (Tuổi Trẻ)