Chiều 14-10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đưa ra cảnh báo mưa lớn trên diện rộng ở địa phương.
Theo đó, do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới qua Nam Trung Bộ nối với xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, dự báo từ ngày 16 đến 19-10, tại tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa to đến rất to tập trung chủ yếu từ ngày 17 đến 18-10. Tổng lượng mưa phổ biến từ 300 – 400 mm, có nơi trên 500 mm.
Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam cảnh báo cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối, thuộc các huyện như: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My và Tiên Phước; cảnh báo tình trạng ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An và TP Tam Kỳ (một số phường xã ven sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ).
Trong khi Quảng Nam sắp hứng chịu một đợt mưa lớn thì hiện tại, các hồ thủy điện ở phía thượng nguồn tỉnh này đều đã tích đầy nước.
Số liệu cập nhật lúc 17 giờ ngày 14-10 cho thấy mực nước ở hồ thủy điện A Vương lên đến 379,77 m (mực nước dâng bình thường là 380 m), hồ thủy điện Đak Mi 4 lên đến 257,62 m (bình thường 258 m), hồ thủy điện Sông Bung 4 lên 222,42 m (bình thường 222,5 m), hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 171,54 m (bình thường 175 m).
Trước tình hình này, trong ngày 14-10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4 vận hành hạ dần mực nước hồ chứa về mực nước cao nhất trước lũ.
Cụ thể, ông Thanh yêu cầu Thủy điện A Vương vận hành xả nước xuống hạ du với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ cộng với 200 m3/giây, nhằm hạ mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ trước 15 giờ ngày 16-10; thủy điện Sông Bung 4 xả nước xuống hạ du với với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm (450-500) m3/giây; thủy điện Đak Mi 4 xả nước xuống hạ du với với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm 150 m3/giây. Thời gian các thủy điện trên xả lũ từ 15 giờ ngày 14-10.
Trong văn bản, ông Thanh yêu cầu các thủy điện vận hành xả nước phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở hạ du. Trong quá trình vận hành, nếu mực nước tại trạm thủy văn Hội Khách lớn hơn cao trình +15,5m hoặc mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa lớn hơn cao trình +8 m hoặc lưu lượng đến hồ đạt mức từ 550 m3/giây đến 700 m3/giây thì vận hành duy trì mực nước hồ.
Lúc 17 giờ ngày 14-10, ba thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 vận hành xả nước xuống hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 1.187,84 m3/giây; tới 18 giờ tăng lên 1.303,71 m3/giây. Riêng Thủy điện Sông Tranh 2 đang xả nước chạy máy 204 m3/giây, xả qua tràn 5,7 m3/giây (thủy điện Sông Tranh 2 xả nước về sông Thu Bồn).
Trong đợt mưa lũ vừa qua, tại tỉnh Quảng Nam đã có 11 người chết. Mưa lũ gây ngập hơn 15.000 ngôi nhà, hơn 200 ngôi nhà bị sạt lở, hư hỏng, tốc mái do gió lốc, 30 điểm trường ảnh hưởng ngập lụt, sạt lở đất.
Gần 500 ha lúa, 1.224 ha rau màu, 30 ha cây trồng lâu năm, 21 ha cây trồng hàng năm ở Quảng Nam bị thiệt hại hoàn toàn; gần 10.000 con gia súc, gia cầm bị chết. Mưa lũ cũng đã làm hơn 7.200 m kênh mương bị sạt lở, 10.150 m3 đất bị bồi lấp, 1.500 m bờ sông và 3.500 m bờ biển bị sạt lở. Các tuyến quốc lộ có 68 điểm sạt lở, bồi lấp với khoảng 53.000 m3, hơn 8,1 km đường địa phương bị sạt lở, hư hỏng…
Theo Tr.Thường (Người Lao Động)