Chị Trần Thị Bích (35 tuổi, quê Kiên Giang) nói với phóng viên khi đang tuyệt vọng tìm cách xoay sở tiền lo viện phí cho em Dương Minh Kiệt (15 tuổi).
Nguy kịch sau 4 ngày sốt
Con trai chị Bích hiện đang nằm tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM). 2 tuần qua, cuộc sống của gia đình chị hoàn toàn đảo lộn khi Kiệt bất ngờ phát bệnh nặng nề, tính mạng treo trên bờ vực thẳm.
Nhà nghèo, Kiệt sớm nghỉ học từ năm lớp 6, phụ cha mẹ chăm hai em nhỏ. 13 tuổi, Kiệt xin đi phụ hồ, rồi đi giao nước mướn. Mấy tháng nay, em lại xin đi phụ cho một tiệm làm cơ khí. Thu nhập chẳng đáng là bao nhưng cũng đỡ đần phần nào cho cha mẹ.
"Mấy ngày trước, nó đi làm quá sức nên mệt rồi rốt nhẹ. Sốt 4 ngày thì bệnh nặng, đưa tới bệnh viện tư thì họ nghi bị sởi nên em và chồng lại chuyển con về BV Quận Thủ Đức. Vừa tới viện thì nó đã ngất xỉu..." - chị Hồng kể.
Phó Giáo sư Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhi nhập viện với bệnh cảnh sốt âm ỉ ban đầu và chuyển thành sốt cao kèm khó thở, mệt, tay chân lạnh.
Tại BV tuyến dưới bé rối loạn tri giác, suy hô hấp kèm nhiễm trùng huyết nặng. Thời điểm hội chẩn liên viện, các bác sĩ nghĩ đến ngay bệnh cảnh viêm cơ tim.
Khi chuyển đến BV Nhi đồng 1 ngày 22/1, bé đã trụy tim mạch, sốc tim nguy kịch. Dùng thuốc vận mạch liều cao nhưng không hiệu quả, kíp điều trị hội chẩn thêm lần nữa rồi quyết định tình trạng này phải tiến hành kỹ thuật chạy ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) ngay.
Do chưa có kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật này, phía Nhi đồng 1 đã mời thêm bác sĩ tại BV Chợ Rẫy qua phối hợp.
Thầy thuốc Nhân dân Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM kể, sau 30 phút chạy ECMO song song việc dùng kháng sinh liều mạnh và lọc máu liên tục, huyết động học bé dần trở lại.
4 ngày sau đó tình trạng huyết động học bệnh nhi ổn định. 12 ngày sau chạy ECMO, bé đã tỉnh, ăn uống được.
Dự kiến nếu bệnh nhi thoát nhiễm trùng và giải quyết xong tình trạng huyết khối sẽ được cho xuất viện trong tuần sau.
"Đây là ca đầu tiên BV Nhi đồng 1 thực hiện kỹ thuật chạy ECMO. Để tiến hành, BV chuẩn bị và cử bác sĩ đi học kỹ lưỡng. Khó khăn trong trường hợp này là bé bị ngộ độc, nhiễm trùng máu dẫn đến tổn thương tim nặng, viêm cơ tim, sốc tim. Nếu làm theo quy trình bình thường bệnh nhân khó qua khỏi
ECMO trong trường hợp này đã hỗ trợ tim phổi hiệu quả để ekip có thời gian điều trị theo nguyên nhân" - Bác sĩ Cam phân tích.
Chắc phải bán nhà cứu con
Số liệu thống kê cho thấy trong 10 năm qua, BV Nhi đồng 1 có tổng cộng 147 ca bệnh nhi bị viêm cơ tim nặng, trong đó đến 37 trường hợp không qua khỏi.
Việc ra đời kỹ thuật ECMO đã góp phần đáng kể trong việc giữ chức năng tim hoạt động, giúp bệnh nhi tạm thời qua cơn nguy kịch để chờ các bác sĩ điều trị bằng thuốc, trợ tim cho bệnh nhân.
ECMO cũng được dùng tốt với những trường hợp bệnh nhân viêm phổi nặng do nhiễm siêu vi điều trị không hiệu quả, hiệu quả hơn ở trẻ em so với người lớn, bao gồm cả trẻ sơ sinh.
Ngoài ra theo một số báo cáo, ECMO cũng giúp điều trị hiệu quả một số trường hợp bị tay chân miệng, sốc phản vệ nặng.
Dù vậy, ECMO cũng có một số chống chỉ định, như với bệnh nhân có bệnh nền nhiều, xuất huyết nặng. Bác sĩ chỉ định làm ECMO cũng phải biết chọn thời điểm phù hợp để sử dụng, không sớm quá cũng không trễ quá.
"Nhiều bệnh nhân tuyến tỉnh bị nặng, nếu chuyển viện nguy cơ sẽ tử vong vì thời gian quá lớn. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một đội ECMO lưu động trong tương lai" - bác sĩ phân tích.
Phó Giáo sư Phạm Văn Quang cho biết thêm, viêm cơ tim thường do siêu vi, những trường hợp có nguyên nhân từ nhiễm trùng huyết như bệnh nhi Kiệt là rất nặng.
Bác sĩ hướng dẫn, các bệnh nhân viêm cơ tim do siêu vi sẽ thường có triệu chứng sốt nhẹ sau 3 ngày, mệt khó thở, tay chân lạnh, sốc tim. Phụ huynh phát hiện các dấu hiệu này nên đưa con em đến viện ngay.
Trở lại với em Kiệt, chị Trần Thị Hồng, dì ruột bệnh nhi cho biết gia đình bé rất nghèo, ba làm hồ còn mẹ làm công nhân. Thời điểm nhập viện, bé không có bảo hiềm y tế. Bé còn em gái đang học lớp 1 và một em trai mới 5 tuổi.
"Hôm gọi cho tôi, mẹ bé Kiệt nói Kiệt sắp tắt thở rồi vì nặng lắm, bác sĩ kêu vào rồi. Khi tôi lên tới nơi thì nghe nói bệnh viện có dùng chiếc máy chạy tim phổi nhân tạo cho Kiệt, nói qua được 7 ngày mới sống nhưng giá mắc lắm" - người dì bệnh nhi nói.
Còn theo chia sẻ từ chị Bích, ngày chuyển viện của Kiệt vì không đủ tiền, vợ chồng chị đã cầm xe lấy 5 triệu đồng. Trước hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, phía phòng Công tác xã hội, BV Nhi đồng 1 đã quyên góp, hỗ trợ cho Kiệt số tiền hơn 70 triệu đồng.
Tuy nhiên đến nay theo phía BV, viện phí của bé trai đã vượt con số 500 triệu đồng.
"Giờ em chỉ muốn con mau khỏe để về thôi. Tiền viện phí nhiều quá, chắc phải bán nhà..." - chị Bích ngập ngừng.
Độc giả muốn giúp đỡ trường hợp của bệnh nhi Dương Minh Kiệt vui lòng liên hệ trực tiếp mẹ bệnh nhân theo số điện thoại: 035.4890.610.
Hoặc chuyển vào số tài khoản: 31410000766682
Chủ tài khoản: Trần Thị Bích
Ngân hàng BIDV, chi nhánh Khu chế xuất Linh Trung 2.
Xin chân thành cảm ơn!
Theo Hoàng Lê (Báo Dân Sinh)