Đợt Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" sau hơn một tháng. Biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ và Anh lây lan nhanh, đe doạ nhiều "thành trì" như bệnh viện, khu công nghiệp. Số ca nhiễm tăng đột biến, hàng trăm ngàn người phải đi cách ly tập trung,
Không riêng người lớn, Covid-19 đẩy nhiều đứa trẻ, thậm chí mới 3 ngày tuổi, vào cảnh khát sữa, phải đi cách ly tập trung. Có những em nhỏ chưa biết "Covid-19 là gì", đã có những giấc ngủ cách ly trên manh chiếu mỏng. Covid-19 cũng cuốn trôi bữa cơm gia đình hạnh phúc của sau này, khi người vợ, người con phải từ biệt chồng, cha mình đã không may qua đời, trước sức tàn phá của dịch bệnh.
Em bé "F1" 3 ngày tuổi vào khu cách ly tập trung
Ngày 25/5, điểm cách ly tập trung đặt tại trường Tiểu học Song Mai, xã Song Mai, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang tiếp nhận một bé gái 3 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên, do mẹ là F0. Các bác sĩ trong khu cách ly gọi em là "bé F1".
Được biết, hoàn cảnh gia đình bé rất khó khăn. Mẹ mắc Covid-19, được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Bố bị ung thư đại tràng, chờ mổ tại Bệnh viện K. Bé có một người anh trai 2 tuổi, đang cách ly tại nhà cùng người cụ năm nay đã 80 tuổi.
Cô giáo Đinh Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Mai cho biết, bé sơ sinh được bác gái bế vào khu cách ly tập trung, không có vật dụng gì. Bé khát sữa, quấy khóc. Cô Hằng đã kêu gọi ủng hộ. May mắn sau 15 phút, một phụ nữ gần trường, đang nuôi con nhỏ, mang sữa vào cho em bé.
Ăn no, em bé ngoan ngoãn, không còn khóc. Các cô giáo đã chuẩn bị sẵn cho bé một phòng riêng và tủ lạnh để cất sữa. Bỉm, các vật dụng và quần áo được mọi người ủng hộ rất nhiều, cất trong kho của nhà trường.
Cô Hằng đã gửi số tiền các mạnh thường quân quyên góp cho mẹ cháu bé thông qua tài khoản ngân hàng. Gia đình gửi lời cảm ơn và mong được dừng kêu gọi, nhường lại cho các hoàn cảnh khó khăn hơn.
Bố qua đời vì Covid-19, 2 chị em tự chăm nhau trong khu cách ly
Tại khu cách ly tập trung ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chị em Nguyễn Thị T. (9 tuổi) và Nguyễn Xuân M. (5 tuổi) tự chăm sóc lẫn nhau. Bố của 2 em là anh N.H.H., 34 tuổi, trú tại xã Mão Điền, được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân Covid-19 thứ 3055. Mẹ và anh trai 12 tuổi sau đó cũng được xác định nhiễm Covid-19, điều trị ở 2 bệnh viện khác nhau.
Tối 16/5, anh H. qua đời sau nhiều ngày được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Các bác sĩ chẩn đoán tử vong viêm màng não mủ biến chứng, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nền giãn não thất, di chứng chấn thương sọ não, suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2.
Vợ và 3 con đều không thể về nhà chịu tang anh H. Người thân trong gia đình đều rất xót xa, bởi họ biết rằng chặng đường phía trước sẽ còn rất gian nan.
Bác sĩ Ngô Thị Linh, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành cho biết, hoàn cảnh gia đình anh H. rất khó khăn. 3 cháu nhỏ hiểu chuyện, tự bảo ban, chăm sóc nhau.
"2 cháu T. và M. đều tự lập, tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Mỗi khi các cô gõ cửa để đo nhiệt độ đều mang giấy ra xếp hàng. Khi bố các cháu mất, chúng tôi mới tìm hiểu hoàn cảnh, liền kêu gọi ủng hộ, nhiều mạnh thường quân biết tin mang đồ ăn, sữa, quần áo cho các cháu", bác sĩ Linh kể.
Bé trai 4 tuổi mặc đồ bảo hộ kín mít trong khu cách ly, tay ôm khư khư hộp sữa
Chị Đặng Thị Lợi, trú tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, sáng 15/5 đang làm đồng, thì nhận tin gia đình có người tiếp xúc ca nghi mắc Covid-19. Về đến nhà, chị thấy các cán bộ y tế đã đợi sẵn, yêu cầu khai báo y tế và lịch trình di chuyển, dặn dò cả nhà tuân thủ cách ly tại chỗ, chờ thông báo mới.
Chị Lợi khi đó là F1, phải cách ly tập trung. Con trai, chồng và bố mẹ là F2, cách ly tại nhà. Đến tối 17/5, bé Hoàng Trọng Nghĩa, 4 tuổi, con trai duy nhất của vợ chồng chị, được thông báo chuyển từ F2 lên F1, nghi mắc Covid-19, buộc phải cách ly tập trung. Mẫu xét nghiệm của bé cho kết quả dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Ngày đầu được chuyển đến Trung tâm y tế huyện Yên Thế, bé rất ngoan và dũng cảm, không khóc khi được lấy mẫu xét nghiệm. Đến đêm, bé sốt cao, cũng không hề quấy.
Bé Nghĩa sau đó được chuyển điều trị tại Bệnh viện Dã chiến ở TP. Bắc Giang, sức khoẻ ổn định. Nhờ các bác sĩ tạo điều kiện, chị Lợi được sắp xếp ở cùng phòng với con để tiện chăm sóc.
Cả 2 mẹ con vào viện, chồng bị di chứng điều trị sán não, chân đi tập tễnh. Bố chị Lợi bị điếc, sức khoẻ yếu, mẹ ngã gãy chân nằm liệt giường 3 năm nay. Cả nhà trông chờ vào mấy sào ruộng, đến độ phải phun thuốc trừ sâu, thì cả nhà đều phải đi cách ly. "Giờ chỉ mong con hết bệnh, để có thể trở về với gia đình, tiếp tục công việc", chị Lợi nói.
Một em bé khác, mới 3 tuổi, sống cùng gia đình tại thôn Tân Trúc, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũng phải đi cách ly một mình, khi cả gia đình đều mắc Covid-19.
"Em tuy bé mà mạnh mẽ gớm!", một tình nguyện viện tại Bắc Giang cho biết. Cháu bé rất ngoan, tự ăn cơm, chơi một mình và không quấy khóc.
Bé trai 6 tuổi một mình đi nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2
Hình ảnh em bé Đình Tuấn, 6 tuổi, tại Bắc Giang, một mình đi nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2, đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người thương xót.
Khi ông nội được xác định mắc Covid-19, các thành viên trong gia đình phải đi cách ly tập trung. Sau đó, mẹ và bà nội của Tuấn, cũng dương tính, được chuyển đến Bệnh viện Quân y Lạng Giang điều trị.
Người bố là F1, cách ly tại Lạng Giang. Bé Tuấn và em gái tiếp tục ở khu cách ly tập trung của trường. Đến ngày 20/5, bé được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, ngày hôm sau có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Khi đến bệnh viện, bé Tuấn ngoan ngoãn ngồi im trên ghế, thi thoảng lại nép vào cánh cửa. Đôi mắt to tròn, ngơ ngác nhìn xung quanh. Ngày đầu vào khu cách ly, các y bác sĩ hỏi muốn ăn gì, Tuấn đều lắc đầu, không chịu ăn. Mãi đến tối, cán bộ y tế bón cho cháu được ít cháo và ăn thêm một miếng dưa hấu.
Dù còn nhỏ nhưng Tuấn rất ngoan, nằm một mình trong phòng, không có người lớn cũng không hề quấy khóc. Một lúc lại chạy ra ngoài, ngồi lên ghế, lấy khẩu trang đeo. Các y bác sĩ ai cũng thương.
Nhiều em bé ở Điện Biên đi cách ly không có quần áo hay đôi dép
Chị Nguyễn Thị Tuấn, cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên cho biết, khoảng 1.000 học sinh các cấp là F1, từ 4-12 tuổi, phải đi cách ly tập trung, chủ yếu tại 2 điểm dịch gặp nhiều khó khăn là huyện Nậm Pồ và xã Mường Pồn (huyện Điện Biên).
Các bé chủ yếu là con em dân tộc Mông, Thái và một số ít là người Kinh, thiếu thốn rất nhiều từ quần áo, khẩu trang cho đến đồ ăn. Thậm chí nhiều em chỉ có một bộ quần áo mặc trên người từ hôm đi cách ly.
Đêm 20/5, chị Tuấn nhắn tin cho kĩ sư Phạm Đình Quý (Hà Nội), người có nhiều năm kinh nghiệm gây quỹ, xây hàng trăm ngôi trường cho trẻ em vùng cao. Chị viết, "tình hình Điện Biên đang rất cần quần áo cũ cho các cháu học sinh từ mẫu giáo đến 10 tuổi. Các bé đi cách ly chỉ có mỗi bộ quần áo trên người!", kèm theo những bức ảnh các em nhỏ, các y bác sĩ đang ở khu cách ly tại điểm dịch huyện Nậm Pồ và xã Mường Pồn.
"Các cháu nằm ngủ trên tấm phản, chỉ có manh chiếu mỏng. Tôi rất thương cảm, xót xa với những đứa trẻ. Các con có thể đói, có thể rét, nhưng ai đã làm các con phải ngủ trong giấc ngủ cách ly, thiếu vòng tay của mẹ cha như thế này", anh nói.
Khi lũ nhỏ phải đi cách ly, chúng rồng rắn, mỗi đứa một bộ quần áo, một túi xách, bố mẹ không được đi theo.
"Tôi hỏi chị Tuấn tình hình các cháu, được biết từ hôm đi cách ly chúng không có gì ăn, đều chỉ một bộ quần áo". Sáng hôm sau, anh Quý liên hệ với các nhà tài trợ, kêu gọi ủng hộ huyện Nậm Pồ và xã Mường Pồn.
Sau khi anh chia sẻ câu chuyện lên trang Facebook cá nhân, rất đông bạn bè, mạnh thường quân từ khắp mọi miền, đã chung tay giúp đỡ. Có người chuyển 500 thùng sữa, 250 bộ quần áo. Cũng có người gửi tiền qua quỹ "Những tấm lòng Nhân ái" của anh, nhờ gửi giúp lên Điện Biên.
Anh Quý đã gửi 200 triệu đồng tiền ủng hộ của mọi người thông qua chị Tuấn và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên. Trong vòng 3 ngày, rất nhiều chuyến hàng, khẩu trang, thiết bị y tế, quần áo, lương thực, thực phẩm cũng đã được gửi lên Điện Biên để ủng hộ cho Nậm Pồ và Mường Pồn.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)