Có hay không việc cấp phép khó hiểu?
Ông Nguyễn Tiến Sơn - Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho biết: Công ty TNHH Hồng An Phong (tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng) có hồ sơ gửi Sở Y tế xin chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm gồm Vinaca Vi5, Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng và Vinaca đa dụng.
Những doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm được quyền công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, sở chỉ cấp giấy chứng nhận trên hồ sơ doanh nghiệp cung cấp.
Về việc doanh nghiệp tự đặt tên là “ Vinaca ung thư CO3.2 ”, là cách doanh nghiệp đặt tên gọi cho sản phẩm của mình, luật không cấm.
Lợi dụng việc đặt tên, Công ty TNHH Vinaca đã lập lờ rằng đây là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư, rồi lấy than tre đóng gói thành viên thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư, bán ra thị trường.
Tuy nhiên, trên trang thông tin của doanh nghiệp http://vinaca.vn/, đơn cử một sản phẩm có tên: “Vinaca ung thư CO3.2” lại được quảng cáo: “Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư số 1 thế giới”. Ngay trong phần hướng dẫn sử dụng cũng ghi rõ: Thành phần tinh chất nano carbon, tinh chất nghệ nano, cao sắc…
Công dụng: Hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, viêm loét dạ dày, tá tràng… Đây là sản phẩm dạng viên uống.
Một sự khó hiểu: Cty có sản phẩm xin cấp phép là mỹ phẩm nhưng tên sản phẩm cũng như phần thành phần, công dụng và cả tên khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc hay thực phẩm chức năng?
Theo một chuyên gia trong ngành dược chia sẻ với Báo Lao Động, nếu là mỹ phẩm chỉ dùng để bôi bên ngoài da. Nhưng những sản phẩm được cơ quan chức năng phát hiện là dạng viên, dùng để uống thì không thể là mỹ phẩm.
Hơn nữa, chính tên sản phẩm đã gây hiểu lầm, khó hiểu cho người tiêu dùng: Mỹ phẩm lại mang tên thuốc ung thư? Dạng bào chế vậy mà sở cấp phép là mỹ phẩm thì đúng là giết người. Dạng bào chế và công dụng như nêu trong thành phần và công dụng nếu đăng ký phải đăng ký là thuốc hoặc thực phẩm chức năng.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ cấp phép cho các công dụng theo quy định pháp luật và theo hồ sơ chứng minh công dụng.
Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm (Bộ Y tế), mỹ phẩm sản xuất trong nước là sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất chính tại Việt Nam có thể lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam hoặc có thể được xuất khẩu sang nước ngoài khi có đầy đủ điều kiện.
Để có thể lưu hành mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng giống như việc lưu hành mỹ phẩm nhập khẩu tại Việt Nam phải được công bố mỹ phẩm.
Các doanh nghiệp khi công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng chỉ được phép lưu hành khi được phòng quản lý dược phẩm của Bộ Y tế cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm lưu hành và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn hiệu quả và chất lượng khi công bố mỹ phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Ngày 11.4, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Cục đang yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng làm rõ và báo cáo sự việc trước ngày 14.4. Thời điểm này, Cục chưa có ý kiến gì thêm.
Thổi phồng các sản phẩm như thần dược
Trong khi đó, trên thị trường các sản phẩm của Công ty TNHH Vinaca vẫn tung hoành. Từ thông tin từ trang http://vinaca.vn/, phóng viên Báo Lao động đã khảo sát và ghi nhận tại Hà Nội có 6 đại lý phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Vinaca Việt Nam.
Sau khi mua một sản phẩm: “Vinaca ung thư CO3.2” bán từ điểm phân phối sản phẩm ở phố Công Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi tìm đến địa chỉ theo bao bì sản phẩm tại số 17B/40, Cự Lộc, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tuy nhiên, đến nơi - theo địa chỉ ghi trên sản phẩm - đã đóng kín cổng cao tường từ lâu. Hỏi một vài người địa phương được biết, nhà số 17B/40 thường xuyên đóng cửa, ít hoạt động ra vào.
Tiếp tục lần theo một địa chỉ khác, tại số nhà 55/63, Cầu Cốc, quận Bắc Từ Liêm, chúng tôi được người dân địa phương cho biết, bà Nh. là người đại diện của Công ty TNHH Vinaca Hà Nội tại số nhà 55/63. Tuy nhiên, bà Nh. không có ở Hà Nội.
Liên lạc qua điện thoại, lấy lý do trong gia đình có người mắc bệnh ung thư, muốn sử dụng sản phẩm Vinaca, bà Nh. động viên: “Tôi chỉ nói một điều, Vinaca Việt Nam có thể chữa được cả bệnh HIV.
Nếu người nhà mắc bệnh ung thư nhưng chưa xạ trị, tôi cam kết 15 ngày sau, người nhà sẽ hết bệnh. Chắc bỏ ra vài triệu đồng là có thể khỏi được bệnh!?”.
Hải Phòng: Triệt phá cơ sở sản xuất thuốc ung thư làm từ than tre
Ngày 11.4, thượng tá Vũ Văn Thắng - Phó Trưởng Công an quận Kiến An (Hải Phòng) - cho biết: Cơ quan này vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ những vi phạm của cơ sở sản xuất của Cty Vinaca tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An để xử lý theo quy định.
Thiếu tá Phạm Thị Mỹ Liên - Đội trưởng Đội ĐTTP Kinh tế, Công an quận Kiến An (Hải Phòng) - cho biết: Bà Đào Thị Chúc (26 tuổi) - chủ cơ sở sản xuất đã thuê hai phòng trọ làm nơi đóng gói tro vào viên nang thuốc, dán nhãn mác và đóng hộp rồi đưa đi tiêu thụ với 10 CN đang làm việc. 10 CN làm thuê cho cơ sở sản xuất này chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi và trẻ vị thành niên ở xung quanh địa bàn quận Kiến An.
Theo Công an quận Kiến An, hiện Công an quận sẽ gửi mẫu xét nghiệm để xác định thành phần của các sản phẩm của Vinaca, đồng thời mở rộng điều tra xác minh vụ việc để xử lý theo quy định. HOÀNG HOAN
Theo Hữu Long- Lệ Hà (Lao Động)