Liên quan đến hoạt động của các phòng thuốc nam của ông Võ Hoàng Yên tại tỉnh Bình Thuận, phóng viên đã đặt câu hỏi trực tiếp với đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, nơi cấp phép hoạt động cho ông Yên.
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, hiện tại ngoài phòng thuốc nam tại Hưng An Tự ở xã Gia An (huyện Tánh Linh) thì ông Võ Hoàng Yên còn đăng ký khám bệnh tại phòng thuốc nam Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự tại khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân.
Đây là một cơ sở khám chữa bệnh do người khác đứng tên, được Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cấp phép vào tháng 1-2019, ông Yên là người giúp việc chuyên môn.
"Hằng tháng, theo quy định thì các cơ sở khám chữa bệnh phải có báo cáo hoạt động cho phòng y tế. Ngoài ra chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra từng cơ sở y tế hằng năm.
Còn đánh giá về hoạt động chuyên môn hiệu quả như thế nào, như trường hợp các phòng thuốc của ông Yên thì không thể đánh giá chuyên sâu được. Tuy nhiên, từ những ồn ào của dư luận vừa qua thì sắp tới thanh tra sở sẽ có kế hoạch kiểm tra những cơ sở này" - ông Hồng nói.
Còn theo Hội Đông y tỉnh Bình Thuận, đơn vị mà ông Võ Hoàng Yên đăng ký là hội viên sinh hoạt tại Chi hội Đông y xã Gia An (huyện Tánh Linh) từ năm 2015 thì hội cũng không nắm rõ hiệu quả khám chữa bệnh từ ông Yên.
"Tôi mới chỉ tiếp nhận chức danh Chủ tịch Hội Đông y tỉnh từ năm 2020 nên chưa nắm rõ việc này. Việc quản lý ngành nghề thuộc chức năng của Sở Y tế, còn tôi chỉ quản lý chung về hội viên, giúp họ sinh hoạt đúng điều lệ hội.
Riêng hoạt động của phòng thuốc chỗ ông Yên hiệu quả như thế nào thì bên huyện hội rành hơn" - ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bình Thuận, cho biết.
Huyện hội mà ông Trần Minh Tuấn đề cập ở đây chính là Hội Đông y huyện Tánh Linh, chủ tịch huyện hội này là ông Nguyễn Bửu, cũng là người đứng tên về mặt giấy phép để xin mở phòng thuốc Hưng An Tự.
Ngoài việc đứng tên cơ sở khám, chữa bệnh, ông Bửu thỉnh thoảng cũng trực tiếp khám bệnh. Vì vậy mà việc đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ sở này, như chính thừa nhận của ông Bửu, cũng "khó nói".
"Hết hoàn toàn thì mình không dám khẳng định, chỉ là cũng đỡ đối với những bệnh về khớp… Chỉ là đỡ phần nào thôi, rồi bà con về lao động thì dễ bị đau lại" - ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch Hội Đông y huyện Tánh Linh kiêm người đứng tên pháp lý của phòng thuốc nam thuộc Hội quán Hưng An Tự, cho biết.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, phòng thuốc Hưng An Tự do ông Võ Hoàng Yên lập ra năm 2013 nhưng không đủ điều kiện cấp phép nên ông Nguyễn Bửu là người đứng tên về mặt pháp lý.
Tháng 7-2017, ông Võ Hoàng Yên được Trường Trung cấp Tuệ Tĩnh (tỉnh Thanh Hóa) cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp y sĩ y học cổ truyền. Tháng 11-2018, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho ông Yên.
"Chứng chỉ hành nghề của ông Yên chỉ được giúp việc chuyên môn, chưa đủ điều kiện để được tự đứng tên cấp phép hoạt động. Ông chỉ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế do người khác đủ điều kiện đứng tên" - ông Lê Văn Hồng khẳng định.
"Cách chữa mạnh bạo, phản khoa học"
Thầy thuốc Nhân dân - bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, kể năm 2012, theo giới thiệu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh thực nghiệm với sự chứng kiến các nhà khoa học y tế.
"Ông Yên chữa bệnh tôi thấy rất thô bạo: chọc tay vào tai vỗ "bôm bốp" để chữa điếc và giật lưỡi để chữa câm, rồi bẻ chân tay để chữa bệnh xương khớp. Những phương pháp ông Yên làm rất phản khoa học"- Thầy thuốc Nhân dân - bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng nhận xét.
Theo N.Dung (Nld.com.vn)