“Quán cơm giết người” là 4 từ mà một thực khách đã dành cho quán cơm tại số 2, ngõ 4 (phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội). Theo giải thích của người này, sở dĩ phải dùng từ “quán cơm giết người” bởi vì quán đó mọc ngay bên cạnh một trong những bệnh viện lớn nhất thủ đô.
Sự việc được thực khách trên kể lại như sau: Khoảng 11h15’ trưa ngày 22/10/2015, anh và gia đình gồm 5 người đi vào 1 quán cơm bình dân ngay cạnh cửa sau Bệnh viện Bạch Mai để ăn trưa sau khi chờ lấy kết quả chụp phim cho anh trai.
5 người họ bị lôi kéo bởi những lời mời chào “anh chị vào ăn trưa ở quán em có điều hòa đấy”. Và tầng 2 là nơi họ được đưa lên. Tuy nhiên, cái họ nhận lại chỉ là chiếc quạt gió chứ không hề có điều hòa.
Thắc mắc về điều hòa thì nhân viên quán chỉ vào chiếc quạt rồi nói: “Đây anh ạ”. Còn gia đình anh cũng chỉ biết ngậm ngùi ăn cơm.
“Mọi sự bức xúc và dồn nén tột đỉnh là đến khi thanh toán tiền cơm, tôi cũng giật mình khi nghe được cái giá phải trả cho 3 suất cơm bụi của ba người ăn cạnh tôi là 740 nghìn đồng. Một cặp vợ chồng trẻ ăn cạnh cũng bị “hét” giá lên 210 nghìn đồng/2 suất. Lúc này cả nhà tôi chỉ biết trố mắt nhìn nhau.
Được biết, trước đó hai ngày, hai ông bà khá cao tuổi đi tàu hỏa từ trên Lào Cai xuống thăm con dâu nằm viện, được mọi người quanh đó cho biết, khi thanh toán bà chủ quán đã hét cái giá trên trời với hai suất cơm là 200 nghìn đồng. Cả hai người rút ra được 150 nghìn đồng mà hai chị chủ quán không buông tha.
Tôi không thể ngờ, giữa lòng Thủ đô Hà Nội lại có một quán cơm như quán cơm giết người này. Không hiểu lương tâm của họ ở đâu?”, chủ nhân facebook này bức xúc.
40 nghìn đồng 2 miếng mướp đắng
Để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện về “quán cơm giết người”, trong vai người nhà bệnh nhân, chúng tôi có mặt tại quán cơm này vào những ngày tháng 4.
Bảng giá "bình dân" được niêm yết tại quán |
Một đĩa cơm, một ít rau bắp cải xào, hai miếng thịt mỡ dính ít nạc, một ít nội tạng lợn xào và hai miếng mướp đắng nhồi thịt, tất cả đều nguội ngắt, cộng hai cốc trà đá được tính giá 140 nghìn đồng.
Bảng giá niêm yết cũng được chủ quán “trưng” ở một góc khá rộng rãi với giá của cơm, phở, bún miến cực “bình dân”: 20k, 25k, 30k nhưng mập mờ không ai biết giá ấy dành cho 1 suất hay thế nào, và cũng yêu cầu “gọi đồ ăn xong xin quý khách vui lòng thanh toán trước”.
Ngỏ ý muốn được hâm nóng lại cơm canh, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu từ người phục vụ. Thắc mắc về giá cả thì người này nói “ở đây giá nó thế” rồi cầm tiền đi luôn. Còn chúng tôi ăn vài ba miếng cũng bỏ lại vì... không thể nuốt được.
Suất cơm lèo tèo mà chúng tôi phải trả tới 140 nghìn đồng |
Mang thắc mắc về cái giá “chát” ấy với chủ cửa hàng, chúng tôi chỉ nhận về cho mình cái nhìn lạnh tanh cùng câu trả lời “thật như đếm”: Cơm 20 nghìn, nội tạng lợn là 40 nghìn đồng, rau giá 20 nghìn đồng, mướp đắng nhồi thịt tôi tính 40 nghìn đồng/2 miếng, thêm 10 nghìn đồng trà đá, 10 nghìn đồng tiền thịt nữa. Bạn cộng lại xem đúng giá chưa".
Trước thắc mắc về sự lạnh ngắt của thức ăn và những miếng thịt mỡ bị đẩy giá lên cao, người chủ quán này chỉ lặng im và đánh mắt sang hướng khác.
Phía đối diện với chỗ chúng tôi ngồi ăn, một người đàn ông nhấc vội miếng thịt gà và vài ba miếng đậu lên, ngao ngán khi vừa bị tính giá 50 nghìn đồng cho suất cơm bèo nhèo ấy.
"Bà con biết đắt rồi đừng vào ăn nữa"
Trước thực trạng giá cơm ở đây bị đội lên 1 cách bất thường, phóng viên Báo điện tử Người đưa tin đã trao đổi với ông Phùng Anh Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) để nắm bắt cụ thể hơn thực trạng quán cơm này.
Theo ông Minh, cho tới thời điểm này, UBND phường vẫn chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào từ phía người dân về tình hình quán cơm Hiếu ngon. Có chăng chỉ là những ghi nhận từ báo chí.
“Chúng tôi cũng giao cho cán bộ tổ dân phố có trách nhiệm nhắc nhở, kiểm tra chặt chẽ quán ăn này để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn phường. Còn về giá cả để nói đắt hay không đắt là điều rất khó đánh giá. Bà con biết đắt rồi đừng vào ăn nữa”, đó là khuyến cáo từ phía ông Minh.
Cũng theo ông Minh, đối với quán cơm này, qua kiểm tra cũng đã có giấy phép đăng kí kinh doanh.
Ngày 12/12/2015, chủ quán cơm Hiếu ngon ở số 2, ngõ 4 phường Phương Mai cũng đã viết cam kết với nội dung:
“Sau khi phường tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bán hàng cơm, gia đình tôi cam kết với ủy ban phường và tổ dân phố: Đảm bảo lấy hàng có nguồn gốc và vệ sinh an toàn. Có bảng niêm yết giá các suất cơm, thu tiền trước khi ăn.
Gia đình tôi xin cam kết những vấn đề trên. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, cam kết là thế nhưng giá cả vẫn bị “đưa đẩy” tại quán cơm vốn nổi tiếng là “quán cơm giết người” này khi khách tới đây chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân với lộ phí về “kinh đô” eo hẹp.
Theo Hải Nguyên (Nguoiduatin.vn)