Thông tin thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng có hơn 1.200 người mù, có gia đình 2-3 người đều bị hỏng mắt, trong đó nhiều trường hợp bị mù do bóc hành tím đã khiến dư luận không khỏi giật mình.
Thị xã Vĩnh Châu là vựa hành tím lớn nhất nước, việc gia công, bóc hành tại đây trở thành một nghề mưu sinh của nhiều nông dân Khmer. Để bảo quản hành được lâu, thương lái sau khi thu gom về sẽ tiến hành phủ một lớp phấn trộn giữa thuốc trừ sâu Mipcin với bột đất sét để ủ hành.
Đủ mọi lứa tuổi mưu sinh bằng nghề bóc hành thuê tại "Vương quốc hành tím" Vĩnh Châu. Người dân địa phương cho rằng, chính việc không dùng đồ bảo hộ khi bóc hành đã khiến số người mù lòa ở địa phương này không ngừng tăng lên. Ảnh: Q.Huy |
Cá biệt có gia đình bị hỏng mắt đến 2-3 người. Đơn cử như gia đình ông Thạch Polla (xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu), có 3 đời làm nghề bóc hành thuê. Bản thân ông Thạch bị hỏng mắt trái từ khi mới 5 tuổi, cách đây 4 năm, ông tiếp tục bị hỏng con mắt còn lại. Vợ ông trong một lần không may bị phấn hành bay vào mắt đã hỏng một bên mắt. Con dâu ông, mới vừa ở tuổi đôi mươi cũng đã bị mù lòa.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng xác nhận, so với các huyện thị, thành phố trong tỉnh, số lượng người mù tại Vĩnh Châu cao vọt hơn hẳn, tuy nhiên do đục thủy tinh thể rồi nhiều bệnh khác cộng lại chứ không phải do... hành tím.
Trong khi đó, trưởng phòng Y tế thị xã Vĩnh Châu cho rằng con số 1.200 người bị mù lòa là không chính xác. Con số thực tế chỉ có 588 trường hợp/157.000 dân (chiếm 0,37%). Vị trưởng phòng cho biết, việc dùng thuốc sâu để bảo quản hành là chuyện nhiều năm trước nhưng nay người dân đã bỏ. Hiện chỉ còn một số hộ dân dùng phấn trộn để bảo quản hành giống.
Về các nguyên nhân gây mù lòa trên địa bàn, vị này hứa đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới sẽ có báo cáo chi tiết gửi Sở Y tế Sóc Trăng còn hiện tại vẫn đang... điều tra.
Hành tím không gây mù?
Xung quanh thông tin bóc hành tím có thể gây mù lòa, ông Phan Tấn Phát, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, từ vài năm trước, Sở đã cho làm nghiên cứu và điều tra kĩ, khẳng định nguyên nhân mù lòa của bà con Vĩnh Châu không phải do hành tím. Trong số những người bị mù có cả những người bị mù lòa bẩm sinh và những bị bệnh về mắt mà không đi khám nên dẫn đến hỏng mắt.
Còn theo bác sĩ Lê Việt Sơn, trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, bản thân ông rất bất ngờ khi nghe thông tin này vì trong y văn chưa từng ghi hành tím có thể làm mù mắt.
Khi bóc hành, mọi người có cảm giác cay mắt và chảy nước mắt theo phản xạ nhưng phản xạ này không thể kéo dài vì khi không thể chịu nổi nữa, họ sẽ không thể làm được.
Theo bác sĩ Sơn, nguyên nhân mù lòa có thể do các bệnh thiên đầu thống và bệnh đục thủy tinh thể. Hiện nay ở các tỉnh khác, tỉ lệ người dân bị mù mắt do hai nguyên nhân này đang rất nhiều. Tuy nhiên với tỉnh Sóc Trăng, bác sĩ Sơn cho rằng nên làm một cuộc điều tra tổng thể để tìm ra nguyên nhân, dù có thể mất rất nhiều thời gian.
Bác sĩ Sơn cho rằng, cần phải có các chương trình khám mắt cho bà con để dự đoán và tìm nguyên nhân gây mù lòa để đưa ra các chương trình phòng chống cho người dân. Việc khám mắt không tốn kém và không mất nhiều thời gian.
Về việc người dân sử dụng phấn trộn có chứa thuốc trừ sâu để bảo quản hành và cho rằng đây là nguyên nhân khiến họ bị ảnh hưởng thị lực, bác sĩ Sơn cho biết, nếu dùng thuốc trừ sâu để bảo quản thì tác động đến người ăn nhiều hơn là tác động qua không khí bay vào mắt.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho rằng, để đưa ra kết luận người dân bị mù do hành tím hay do các bệnh khác cần phải khám cụ thể nhưng trước mắt phải có số liệu so sánh. Nếu đúng tỉ lệ mù lòa ở vùng Vĩnh Châu cao thì phải làm nghiên cứu đối chứng với các địa phương trồng hành khác.
Còn theo PGS.TS Đỗ Như Hơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, trong quá trình bóc hành tím, tay chân người làm bẩn dính phấn trộn, khi bị bụi, cát bay vào họ có thói quy dụi mắt khiến mắt bị tổn thương, có thể gây ảnh hưởng niêm mạc mắt.
Để phòng chống mù lòa, PGS Hơn khuyến cáo, cần phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người bóc hành tím nên sử dụng bảo hộ lao động như đeo kính, găng tay, ngoài ra môi trường làm việc thông thoáng cũng rất quan trọng. Việc kiểm tra mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh và tật ở mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.
Theo M.Anh - Q.Huy (VietNamNet)