Nhà báo Hà Sơn: Nói về nghề báo, điều gì chị thấy nhớ nhất, thử thách nhất?
Nhà báo Thu Uyên: Tôi thấy mình khá may mắn. Mọi người bảo tôi chuyển việc nhiều nơi. Từ lúc tôi tốt nghiệp và làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam, công việc truyền hình không phải nghề tôi được đào tạo, bởi tôi học ngoại giao. Khi gia nhập truyền hình, công việc của tôi là phóng viên rồi chuyển sang làm bình luận viên. Từ lúc đó tới nay, tôi đã thay đổi bốn nơi làm việc nhưng rồi lại trở về Đài truyền hình, cho tới năm nay, tôi sẽ về hưu.
Clip 1: Thu Uyên chia sẻ về 3 giấc mơ ám ảnh, về nghề báo.
Có một điều may mắn là sự nghiệp của tôi luôn gắn liền với nghề báo. Có lẽ khó để nói điều gì là đáng nhớ nhất. Tôi có ba giấc mơ ám ảnh, giống như ác mộng. Trong đó có một giấc mơ ngồi cạnh người chơi đàn và có nhiệm vụ giở bản nhạc nhưng đã giở hụt, người ta chơi sang trang sau mà tôi vẫn chưa kịp giở sang.
Ác mộng thứ hai tôi quét lớp và bị bàn lim rơi vào chân. Giấc mơ cuối cùng liên quan tới nghề của tôi, đó là bước vào trường quay mà trong tay không có gì, không có kịch bản để đọc. Đấy là chuyện lạnh người nhất, giấc mơ đáng sợ nhất luôn trở đi trở lại trong suốt 30 năm tôi làm nghề.
Làm ở Đài truyền hình, không phải lúc lên hình mới là làm báo. Thực ra, công đoạn chuẩn bị mới quan trọng nhất. Điều ám ảnh nhất với tôi vẫn là, chúng ta đã chuẩn bị thế nào. Trước mỗi chương trình, tôi luôn tự hỏi mình đã chuẩn bị thế nào. Và điều tự hào nhất của tôi, là chúng tôi đã chuẩn bị tốt.
Các công việc khác liên quan đến báo, ví dụ như viết lách, với tôi cũng thế, việc chuẩn bị luôn là quan trọng nhất. Đấy cũng là điều giống như bạn nói – có tính thử thách nhất. Một sản phẩm báo chí dù chỉ rất ngắn thì đằng sau cũng cả một sự chuẩn bị rất kĩ. Nếu là một bài dài càng phải chuẩn bị kỹ hơn. Nếu là một show truyền hình, quá trình chuẩn bị càng kéo dài. Đó là thử thách lớn nhất với tôi. Nếu chuẩn bị kĩ mới mong có sản phẩm báo chí đúng trách nhiệm.
Chị cùng nhà báo Trần Bình Minh, nhà báo Lại Văn Sâm là những người rất nổi tiếng. Nhà báo Trần Bình Minh đã là TGĐ đài THVN, còn nhà báo Lại Văn Sâm trước khi nghỉ hưu cũng là Giám đốc VTV3. Khán giả thắc mắc, tại sao Thu Uyên lại viết báo và sản xuất các chương trình truyền hình mà không làm công tác quản lý như nhiều người hằng mong ước?
- Tôi không ham mê cho việc đó chút nào hết. Đó là tính cách tôi thừa hưởng từ gia đình. Ba mẹ tôi cũng không bao giờ muốn làm công việc gì liên quan tới quản lý. Chức vụ cao nhất của ba tôi là trưởng phòng nghiên cứu khoa học, còn giờ tôi về hưu với vị trí phó phòng. Đó là cấp bậc cao nhất và phù hợp nhất cho tôi sự tự do để hoạt động chuyên môn.
Thực tế, tôi cũng biết một trong những việc tôi không làm được là công tác quản lý. Tôi quản lý nhóm rất tốt nhưng để quản lý cơm áo gạo tiền cho mọi người, lo công việc nhân sự tôi không có khả năng. Tôi chỉ có năng lực làm chuyên môn, hướng dẫn một nhóm, một đội làm chuyên môn, tạo ra sản phẩm tốt thì làm được. Tôi thấy anh Trần Bình Minh, anh Lại Văn Sâm và nhiều người khác đều có năng khiếu quản lý và rất may mắn tôi được làm việc với các quản lý như vậy.
Chị đã làm rất nhiều chương trình truyền hình vậy chương trình nào khó khăn nhất, thưa chị?
- Tôi cũng không biết phải nói chương trình nào khó hơn chương trình nào. Ngày xưa, khi tôi bắt đầu làm bình luận quốc tế, rõ ràng có những khó khăn không vượt qua được. Tiếng Nga và tiếng Pháp tôi rất rành, nhưng lúc đó tôi chưa học tiếng Anh. Hồi đó chưa có phương tiện để học thuận tiện như bây giờ.
Nếu muốn học tiếng Anh phải lên nhà thờ học từ lớp sơ cấp, tôi cũng không có điều kiện để học. Để chương trình quốc tế, nếu chỉ đọc tài liệu từ các kênh tiếng Nga, tiếng Pháp thì không đủ, vì nguồn thông tin cơ bản nhất vẫn là tiếng Anh, đòi hỏi đọc tiếng Anh rất nhiều, trong khi mình không biết tiếng thì làm thế nào?..
Clip 2: Thu Uyên nói về điều day dứt, về sự "mua chuộc" của nghề báo
Tôi nhớ có những bản tin in ra giấy, tôi phải tra từ điển gạch đỏ kín hết cả trang giấy. Nhưng điều đó chỉ diễn ra trong khoảng 6 tháng là tôi bắt đầu có thể đọc được tiếng Anh. Tôi đã tự học tiếng Anh ngược theo kiểu đó. Tất nhiên có những sự trùng hợp với tiếng Pháp, tôi cũng học được nhanh hơn. Nhưng để hiểu được thật kĩ, để đảm bảo mình nắm được tất cả tinh thần, hiểu được sự tinh tế của ngôn ngữ, thì sau 6 tháng, tôi tự tin mình có thể nắm bắt được văn bản gốc tiếng Anh, chuyển ngữ sang tiếng Việt và truyền đạt bản tin quốc tế.
Sau 6 tháng, tôi đọc hiểu được tiếng Anh bắt đầu học nói. Đi thi Fulbright, tôi mới thực sự biết nói tiếng Anh mà chưa cần đi học ở Nhà thờ ngày nào. Nói vậy để thấy đó là một trong những khó khăn. Nếu giao nhiệm vụ cho tôi phải đi học tiếng Anh chưa chắc tôi đã làm được, hoặc làm bằng một tinh thần khác, trong thời gian khác, với hiệu quả khác. Nhưng bản thân tôi đam mê tin quốc tế nên đã làm được việc đó rất nhanh.
Những khó khăn khác của tôi cũng vậy. Ví dụ như khi làm chương trình ‘Tại sao không?’, ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’… Khi chuyển sang ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’, tiền tài trợ chương trình không lớn, trong khi phần truyền hình nhỏ, chỉ là một phần thôi, tảng băng chìm của chương trình là phần tìm kiếm. Đây là một mô hình mang tính xã hội, còn chương trình truyền hình chỉ là phần ngọn. Để có được tài trợ, vừa xử lý được chương trình truyền hình vừa đạt hiệu quả tìm kiếm, chúng tôi phải tiết kiệm rất nhiều. Để tiết kiệm được, đội ngũ chúng tôi không có người quay phim, người dựng phim. Tôi phải đi học dựng.
Tôi nhớ là cuối năm 2008, VTV9 vừa ra đời, tôi phải chịu trách nhiệm chuyên mục ‘Thế giới cập nhật’. Các thông tin quốc tế do nhóm của tôi phụ trách. Tôi lo công việc đó, huấn luyện các bạn từ khi chưa biết tin là gì, chưa biết quốc tế là gì, thậm chí còn gọi sai tên nước ngoài trở thành những người có thể sản xuất tin quốc tế. Đồng thời, tôi cũng sản xuất ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’. Đó cũng là thời gian tôi học dựng. Khi tôi rời văn phòng của VTV9 về nhà thường đã là 1-2 giờ sáng, Sài Gòn lúc đó rất yên tĩnh. Đó là một giai đoạn lâu dài, tôi được gia đình ủng hộ, nên tôi làm được việc đó.
Nếu ở tuổi này, với sức khỏe hiện giờ tôi chắc không làm nổi việc đó. Nhưng khi ấy tôi còn trẻ, từ 10 năm trước, nên vẫn làm được. Hơn nữa, cơ bản là say mê, mục tiêu, trách nhiệm của mình làm tôi vượt được khó khăn. Không có tiền để thuê người dựng, thuê biên tập, vậy thì mình phải làm thôi. (cười)
Nhắc đến chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", cụ thể câu chuyện liên quan đến "cậu Thủy lừa đảo hài cốt liệt sĩ" xôn xao dư luận khiến chị phải chịu nhiều áp lực. Đó có phải là áp lực lớn nhất trong đời làm báo của chị?
- Với những trường hợp làm công việc thiện nguyện khác với công việc đấu tranh với một cái xấu, nhưng chúng ta phải tin rằng việc đấu tranh với cái xấu nó cũng phải mang tinh thần thiện nguyện. Tất cả những cái gọi là công tác điều tra, làm báo điều tra đều phải thách thức rất nhiều. Trường hợp như Thủy, Duyên, đấu tranh chống lại nạn xưng danh ngoại cảm để lừa đảo các gia đình, trong đấy lực lượng chính là các gia đình có công, gia đình liệt sĩ nên thực sự có rất khó khăn. Khó khăn ở chỗ là nó động đến ngân hàng xã hội.
Có nhiều người lãnh đạo lúc đầu cũng trao bằng cho người này người kia vì thành tích tìm được mộ liệt sĩ nhưng đấy chẳng qua là mong muốn tìm được mộ liệt sĩ về với gia đình, mong muốn được đền ơn đáp nghĩa, lòng mong muốn đấy cũng trong sáng nhưng họ cũng bị lừa dối. Lúc nhận ra thì nhanh nhưng giai đoạn đầu tiên chúng tôi vô cùng khó khăn và nếu để nói với các bạn đi làm báo chí điều tra một lời nào tôi sẽ nói cách chúng tôi làm rất thận trọng. Chúng tôi không dừng ngay cả khi bị thóa mạ, ngay cả khi bị đưa ra những luận chứng giả hay khi bị yêu cầu dừng, yêu cầu không được làm.
Điều tốt nhất lãnh đạo của chúng tôi dành cho phóng viên của mình là hỏi: "Em có thể dừng được không? Em có thể xin lỗi không?" và tôi nói "Em không thể xin lỗi được". "Em không thể dừng được" và lãnh đạo đã để chúng tôi làm tiếp vì tin vào tinh thần thiện nguyện của chúng tôi, sự chân thành của chúng tôi. Vì nó rất động chạm nên cách tốt nhất là chúng tôi công khai, chúng tôi làm hàng tập chứng cứ, nhân chứng, bằng chứng, vật chứng chụp lại, từng cuốn video. Chúng tôi đã làm một clip 20 phút nhưng không thể phát trên Đài ngay nên đã đi giao cho các cấp lãnh đạo. Nhưng trước đó chúng tôi đã nộp tập hồ sơ đó cho công an.
Nếu nói đến đấu tranh chống ngoại cảm phải nói đến công rất lớn của Cục Người có công, đó không phải là trách nhiệm của họ nhưng cục trưởng lúc đó là anh Hoàng Công Thái đã ủng hộ khi chúng tôi bị đe dọa. Phải có người dũng cảm như anh Hoàng Công Thái mới có thể cầm tập tài liệu của chúng tôi trình lên Bộ trưởng và tiếp đó là trình lên công an. Từ khi trình lên công an chúng tôi biết rằng khi hoạt động bất cứ bước nào cũng sẽ báo cho bên công an biết rằng chúng tôi không vô tổ chức, chúng tôi không chống lại ai hết.
Nếu bây giờ làm lại chúng tôi vẫn xử lý theo phương pháp đó, tức là phải rõ ràng để mọi người thấy chúng tôi đang làm gì và chừng nào cần minh bạch phải minh bạch.
Khi chị cùng ê kíp làm những chương trình dồn nhiều tâm huyết nhưng sự việc chưa được xử lý thấu tình đạt lý, vậy có khi nào chị cảm thấy day dứt?
- Tôi khẳng định mình không phải phóng viên điều tra. Tôi chỉ có những lúc va phải những chuyện điều tra vì cũng rời thời sự khá lâu rồi. Tôi bắt đầu làm những chương trình dài là từ 2004 đến giờ nên ít có cơ hội. Chỉ một số trường hợp như ngoại cảm tôi tham gia và đúng, nó chưa đi đến cùng. Ví dụ có 9 mộ, nó là tang vật của vụ án Thúy Duyên, chính 2 kẻ đó phân chia ra cái mà họ tự gọi là hài cốt liệt sĩ thành 9 nhóm và chính quyền lại chôn thành 9 cái mộ và khắc lên trên đó là "Liệt sĩ chưa biết tên" cùng một dãy với những liệt sĩ thực sự chưa biết tên nhưng là liệt sĩ thật. Tôi thấy điều đấy là vô cùng báng bổ.
Tôi đấu tranh từ hồi đấy đến giờ, 9 mộ vẫn ở đó, tôi rất là buồn vì trước kia tôi cũng có một ít niềm tin và luôn nghĩ rằng đối với ai đi chăng nữa, nhất là đối với những người có cương vị họ luôn nói rằng tâm linh hanh thông nhưng mà ở đây lại không. Những chuyện liên quan đến hài cốt liệt sĩ đáng ra họ cần làm cho đường hoàng, tử tế nhất nhưng thực sự một việc như vậy mà họ không làm được.
Nghề báo là một nghề rất nhiều nhọc nhằn, chị nghĩ thế nào về sự mua chuộc để có được sự im lặng của các nhà báo? Chị đã bao giờ phải đối diện với điều này chưa? Nếu có, chị xử lý như thế nào?
- Thực tế tôi có may mắn là không bị mua chuộc. Hình như họ biết mua chuộc tôi không được hay sao nên không ai mua chuộc tôi cả. Bởi vậy tôi không thể trả lời được câu này của bạn.
Chị nhìn nhận ra sao về câu chuyện những nhà báo đếm tầng, hiện tượng "sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ" trong báo chí hiện nay?
- Tôi cũng không biết nói như thế nào. Nếu nói tôi thất vọng về nghề báo cũng được mà nói tôi may mắn khi được nhập vào nghề báo lúc nó còn là một cái gì đó cũng xả thân lắm. Tôi mới nói chuyện với một nhà báo kỳ cựu, bạn ấy cho rằng có thời điểm quãng độ năm 2007 - 2010 gì đó, lúc đó chuyện đi họp báo khác rồi.
Tôi không biết thời điểm đó liên quan đến cái gì, tôi chỉ biết rằng đúng là môi trường làm báo bây giờ không thuận lợi cho việc đi tìm sự thật. Nó nhiều cám dỗ. Ai cũng nói thế nhưng chính bản thân các nhà báo không có được sự đòi hỏi, có lẽ ban biên tập cũng không đến mức yêu cầu sự đòi hỏi tìm ra sự thật chăng?
Phóng viên đếm tầng tôi cũng biết, các bạn biên tập viên ngồi trong tòa soạn mà không đếm tầng còn tệ hơn. Nói nó từ đâu ra và làm như thế nào thì tôi không thể nói được...
Phần 2: Nhà báo Thu Uyên đi 1 đôi giày suốt 9 năm vẫn hạnh phúc
Theo Sơn Hà - Xuân Quý - Huy Phúc (VietNamNet)