Hai bộ Y tế và Công thương kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu trên cả nước. Hệ thống văn bản quy định về quản lý rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ được hoàn thiện. Luật hướng đến nghiêm cấm trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ…
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.A. |
Công điện của Thủ tướng được ban hành sau khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu methanol ở một số địa phương. Một vụ ngộ độc rượu methanol sau ăn cỗ đám ma tại tỉnh Lai Châu làm 9 người chết và hàng chục người nhập viện. Tại Hà Nội từ ngày 26/2 đến 10/3 đã có đến 21 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu methanol, trong đó có 19 nam 2 nữ; tuổi 21-60. Mới nhất là 7 sinh viên cùng được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai rạng sáng 10/3.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các trường hợp ngộ độc methanol rải rác song đều liên quan đến rượu. Rượu được mua tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quầy tạp hóa nhỏ lẻ, không rõ xuất xứ nguồn gốc, không có nhãn mác, thường được nấu thủ công hoặc pha chế thủ công. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu lấy tại điểm kinh doanh ở Hà Nội, nhiều mẫu rượu vượt chuẩn methanol, có mẫu vượt đến 2.000 lần.
Theo Phương Trang (VnExpress.net)