Bộ Y tế đã lấy mẫu hải sản ở Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa để đối chứng với hải sản 4 tỉnh miền Trung.
Theo Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, kết quả giám sát chất lượng hải sản 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế của Bộ cho thấy, sau một thời gian ngắn xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, hải sản tầng nổi đã bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, kết quả giám sát liên tục từ tháng 6/2016 đến tháng 3/2017 cho thấy các chỉ tiêu xyanua, phenol, thuỷ ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt ở hải sản tầng đáy liên tục giảm nhưng vẫn còn.
Ông Cường cho biết, cơ quan chức năng đã lấy mẫu hải sản ở Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa (là những vùng không bị ô nhiễm) để kiểm nghiệm, đối chứng với hải sản 4 tỉnh miền Trung. Đến tháng 5, tháng 6 vừa qua, các mẫu đối chứng đã giống nhau về các chỉ tiêu nêu trên; riêng mẫu ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) còn chỉ tiêu phenol cao hơn.
"Hải sản tầng đáy ở Kỳ Anh có thể do nằm ngay ở đầu ra của Formosa nên Bộ Y tế sẽ kiểm tra thêm lần nữa. Nếu thấy các chỉ tiêu đã giống nhau ở tất cả các nơi lấy mẫu thì sẽ công bố hải sản tầng đáy bảo đảm an toàn", Thứ trưởng Y tế nói.
|
Bộ Y tế đang giám sát chất lượng hải sản tầng đáy 4 tỉnh miền Trung. |
Trước đó ngày 20/9/2016, liên bộ Tài nguyên, Y tế, Nông nghiệp tổ chức thông tin về việc sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Cơ quan chức năng cho biết, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.
Các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km) chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy nêu trên trong vòng 20 hải lý.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)