Thủ tướng: Nông dân khi gieo trồng phải biết tiêu thụ ở đâu
Phát biểu tại hội nghị đối thoại với nông dân sáng 9/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều quan trọng nhất của cuộc gặp hôm nay là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Ông bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên đối thoại với 300 đại biểu - đại diện cho nông dân trên toàn quốc.
"Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP đất nước có 16-17%? Nguyên nhân là năng suất lao động thấp?", Thủ tướng băn khoăn và cho biết ông và các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời những câu hỏi của nông dân, đồng thời đưa ra những thể chế, chính sách mới.
Su hào, củ cải nhổ bỏ chỉ là hiện tượng cục bộ
Ông Tăng Xuân Trường (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) phản ánh tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nhiều nơi. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt.
"Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng 1.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi rất đúng. Song, xin hỏi Thủ tướng, việc liên kết, rồi thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được?", ông Trường đặt câu hỏi.
Giải đáp ngay câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ông đã trực tiếp vào thăm nhà máy của ông Trường và rất mừng trước quy mô nhà máy, cơ sở sản xuất xây dựng được. Theo người đứng đầu Chính phủ, thành công của ông Trường, cũng là thành quả lớn mà ngành nông nghiệp gây dựng được.
"Tôi thấy chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế. Những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ do giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước", Thủ tướng nói.
Hiện, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và các đơn vị liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thủ tướng hy vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Để tiêu thụ tốt nông sản cho nông dân, người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải nỗ lực tìm kiếm thị trường, việc này Nhà nước phải làm. Đến nay, nhiều loại nông sản (củ, quả...) của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng .Đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
"Chúng ta cũng cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống, chúng ta phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai", Thủ tướng nhấn mạnh.
Băn khoăn về biệt phủ trên đất lâm nghiệp
Ông Trần Văn Chính (ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đặt vấn đề ở một số địa phương có hiện tượng cán bộ, đảng viên lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chuyển đổi mục đích đất nông, lâm nghiệp thành đất ở trái phép. Thậm chí, họ còn ngang nhiên xây biệt thự, biệt phủ trên đất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, khi bị dư luận lên án, họ chỉ bị xử lý kỷ luật, còn các công trình vẫn tồn tại.
Trong khi đó, người nông dân nếu có vi phạm thì ngoài việc bị xử lý theo pháp luật, còn bị cưỡng chế dỡ bỏ ngay…"Thủ tướng có biện pháp gì để xử lý hiện tượng này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật?", ông Chính nói.
Được Thủ tướng chỉ định trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng pháp luật quy định trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP. Nếu không chấp hành xử phạt, đối tượng đó sẽ bị thu hồi đất theo quy định tại Điều 64 của Luật đất đai.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng khẳng định xử lý vi phạm các trường hợp chuyển mục đích trái pháp luật theo quy định của Luật Đất đai là công bằng, không phân biệt người vi phạm là tổ chức hay cá nhân, kể cả cán bộ, công chức nhà nước.
Việc xử lý các trường hợp có vi phạm trong việc xây dựng biệt phủ mà báo chí đã nêu đều đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kết luận mức độ sai phạm và xử lý vi phạm theo đúng quy trình.
"Nếu, cơ quan báo chí và người dân còn phát hiện trường hợp kết luận sai phạm chưa đúng hoặc đã kết luận sai phạm mà chưa xử lý, thì phản ánh để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra làm rõ để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật", nữ Thứ trưởng nói.
Sau gần 3 tiếng đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, các trưởng ngành Nông nghiệp, Công Thương, LĐ-TB&XH, Kế hoạch và Đầu Tư, Ngân hàng Nhà nước... giải đáp hơn 20 câu hỏi của người dân liên quan đến thị trường nông sản, chính sách vốn và đất nông nghiệp, công nghệ và quản lý vật tư nông nghiệp, lao động nông thôn và nông thôn mới...
Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)