Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về việc cơ cấu, sắp xếp lại 123 tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đứng đầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một phiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội |
Qua rà soát, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho Thủ tướng quyết định sáp nhập một số ban chỉ đạo có cùng chức năng, nhiệm vụ. Như các ban chỉ đạo: chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến 2020, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến 2020. Cũng nằm trong danh sách đã sáp nhập là Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020.
Thủ tướng cũng đã giải thể Ban chỉ đạo nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Ban chỉ đạo xây dựng đề án phát triển dân số, lao động, đào tạo, gia đình và chính sách xã hội phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước đến năm 2050...
Văn bản trả lời chất vấn nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường phối hợp thực hiện chính sách pháp luật, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng. Đồng thời giao các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc chấp hành quy định về công tác phối hợp.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tích cực tham gia xây dựng đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trình Trung ương 6, trong đó có vấn đề sắp xếp lại tổ chức liên ngành.
“Chủ trương chung là những ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả, thực chất thì sẽ sắp xếp, kiện toàn hoặc giải thể” - Thủ tướng khẳng định trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu.
Kinh phí hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan được giao nhiệm vụ thường trực. Theo đó, trên cơ sở chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của tổ chức phối hợp liên ngành, Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao là cơ quan thường trực có trách nhiệm lập dự toán ngân sách chi cho hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành để tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm trình Quốc hội theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí này được sử dụng chi các hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành và được quyết toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật. Thành phần các Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành. Xuất phát từ tính chất của các tổ chức phối hợp liên ngành, thành viên các Ban Chỉ đạo phải là cấp Thứ trưởng trở lên. Khối lượng công việc và thời gian tham gia của từng thành viên phụ thuộc vào nhiệm vụ của mỗi tổ chức và được quy định cụ thể trong Quy chế làm việc của từng Ban Chỉ đạo. |
Theo P.Thảo (Dân Trí)