Ngay sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 3-11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Orly ở Thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 đến 5-11 theo lời mời của Thủ tướng Pháp Jean Castex.
Trong chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Pháp; hội kiến Tổng thống Pháp; gặp Chủ tịch Thượng viện Pháp; gặp Chủ tịch Quốc hội Pháp.
Thủ tướng sẽ có các cuộc hội kiến, tiếp, gặp Tổng Giám đốc UNESCO, Tổng Thư ký Tố chức quốc tế Pháp ngữ, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Giám đốc Điều hành chương trình COVAX, Hội Hữu nghị Pháp - Việt; gặp gỡ cộng đồng và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và một số nước châu Âu…
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đang trên đà phát triển tích cực. Hai nước có mối quan hệ hợp tác, gắn bó truyền thống qua các thăng trầm của lịch sử. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Pháp thời gian qua đã gia tăng quan tâm, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quan hệ. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.
Hiện, Pháp là bạn hàng lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam trong EU. Nhiều tập đoàn lớn của Pháp mong muốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng và đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ cao.
Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn; góp phần nâng tầm quan hệ với hai đối tác chiến lược này đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục…, đặc biệt là những kết quả hợp tác cụ thể trong lĩnh vực y tế, công nghiệp dược, ngoại giao vắc-xin.
Hai lĩnh vực hợp tác trọng tâm
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức lớn đối với cả Việt Nam và Pháp cũng như toàn thế giới nói chung. Trong bối cảnh đó, hợp tác y tế đã và đang là một trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chia sẻ khối lượng lớn khẩu trang y tế cho Pháp trong những ngày đầu của đại dịch. Tháng 9/2021, Chính phủ và nhân dân Pháp đã chia sẻ đợt đầu 672.000 liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.
Mạng lưới hợp tác hình thành và phát triển đa dạng trong những năm qua giữa các đối tác y tế hai bên cũng đã và đang có sự đóng góp thiết thực, hỗ trợ hiệu quả cho công cuộc phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Các chuyên gia, bác sĩ Việt Nam cũng như các bác sĩ, chuyên gia y tế người Pháp và người Việt đang công tác tại Pháp, các bệnh viện và cở sở y tế, cơ sở nghiên cứu y học, dược phẩm hai nước đã nhanh chóng vào cuộc để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về phòng và chữa trị cho người bệnh, cung cấp cho nhau các thiết bị y tế chuyên ngành, xây dựng các chiến lược, chính sách y tế liên quan.
Đứng trước những thách thức mới đặt ra, Việt Nam và Pháp đều xác định cần tìm tòi những hướng đi hợp tác mới nhằm đáp ứng yêu cầu của hai nước hiện nay.
Do đó, bên cạnh các trụ cột hợp tác đã được xác định trong Đối tác chiến lược, hai nước đặt trọng tâm vào hợp tác y tế và thương mại, đầu tư để vừa có điều kiện phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phục hồi kinh tế tốt sau đại dịch, đồng thời tạo chiều sâu và sự kết nối chặt chẽ trước những chuyển biến hiện nay của kinh tế toàn cầu.
Về y tế, các vấn đề vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư phòng chống Covid-19 và hợp tác phòng chống dịch sẽ được Lãnh đạo hai nước trao đổi kỹ trong chuyến thăm lần này.
Thủ tướng cũng sẽ có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia, bác sĩ, các viện nghiên cứu, các tập đoàn dược phẩm ở sở tại để định hướng hợp tác.
Mối quan hệ hợp tác hai bên cũng không giới hạn ở khuôn khổ song phương, mà còn mở rộng ra các cơ chế đa phương, trong các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, các mối hợp tác EU-ASEAN, Pháp-ASEAN.
Về kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có trao đổi sâu với Lãnh đạo cấp cao Pháp về việc tăng cường các cơ chế hợp tác, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan chức năng hai nước, đồng thời có các cuộc gặp gỡ với nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại.
Các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của Pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam sẽ được tập trung ưu tiên thúc đẩy như: Công nghệ cao, kinh tế số và chuyển đổi số, y tế và dược phẩm, hàng không dân dụng, năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển, nông nghiệp chất lượng cao và chế biến lương thực thực phẩm, môi trường và phát triển bền vững...
Các cơ quan và doanh nghiệp hai nước cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để tranh thủ các cơ hội từ Hiệp định này.
Theo Dương Ngọc (Nld.com.vn)