Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm Trung Quốc

10/09/2016 13:15:00

Sáng nay, 10-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Trung Quốc.

Sáng nay, 10-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Trung Quốc.
 
 Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của lãnh đạo Cấp cao Việt Nam kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII - Ảnh: VPG

Sáng nay, 10-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Trung Quốc, dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 tại Nam Ninh, Trung Quốc từ ngày 10 đến ngày 15-9-2016 theo lời mời của Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của lãnh đạo Cấp cao Việt Nam kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng nước ta thăm chính thức Trung Quốc sau 8 năm.

Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công du này có 2 Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tháp tùng Thủ tướng còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Tham gia đoàn còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo một số địa phương.

Hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại đầu tư ASEAN - Trung Quốc (CABIS) lần thứ 13 tại Nam Ninh (Trung Quốc) từ ngày 11 tới 14-9 có chủ đề “Cùng xây dựng con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, xây dựng khối vận mệnh chung Trung Quốc- ASEAN gắn bó hơn”.

Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam tham dự hội chợ với tư cách khách chính của CAEXPO và CABIS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng lãnh đạo Trung Quốc chủ trì lễ khai mạc CAEXPO và CABIS. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia 250 gian hàng với diện tích khoảng 5.000 m2, quy mô chỉ sau nước chủ nhà Trung Quốc.

Từ đầu năm 2016 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế cải thiện và phát triển tích cực.

Hai bên thúc đẩy thương mại nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỉ USD vào năm 2017. Trung Quốc khẳng định sẽ quan tâm hơn vấn đề nhập siêu của Việt Nam, từng bước thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, mang tính biểu tượng của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng, năm 2015 đạt 66,6 tỉ USD (tăng 13,7%), trong đó Việt Nam xuất khẩu 17,1 tỉ USD (tăng 14,8%), nhập khẩu 49,5 tỉ USD (tăng 13,3%). 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 38,18 tỉ USD (tăng 1,18% so với cùng kỳ), trong đó Việt Nam xuất khẩu 10,85 tỉ USD (tăng 14,93%), nhập khẩu 16,47 tỉ USD (giảm 3,42%).

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc có 127 dự án đầu tư mới tại Việt Nam với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 537,6 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 7-2016, Trung Quốc (không kể Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao) có 1.500 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,86 tỉ USD, đứng thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2016 có gần 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch (chiếm hơn 1/4 lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cùng kỳ).

Về tình hình Biển Đông, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần trao đổi và đạt được nhận thức chung quan trọng về giải quyết thỏa đáng bất đồng, tranh chấp trên biển trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Hai bên tiếp tục duy trì đàm phán và hợp tác trên biển, đã hoàn thành khảo sát chung trên thực địa vùng biển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, khởi động dự án hợp tác nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực Châu thổ sông Hồng và châu thổ Trường Giang, tiến hành đàm phán Vòng 8 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.


Theo D.Ngọc (TTXVN/VietNam+)

Nổi bật