Thủ tướng: Nếu Hà Nội, TP.HCM để lây nhiễm Covid-19 sẽ rất nguy hiểm

07/08/2020 14:03:04

Chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống Covid-19 vào sáng nay (7/8) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh tinh thần quyết liệt, không được chủ quan, lơ là. 

 

Dự họp có lãnh đạo các bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến gồm: Hà Nội, TP.HCM, Thái Bình, Hà Nam, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lạng Sơn, Bắc Giang. 

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần bình tĩnh, lắng nghe tình hình, đặc biệt là dự báo của Ban Chỉ đạo quốc gia, từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn nữa, những yêu cầu để phục vụ công tác chống dịch kịp thời hơn nữa, huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực…

Làm sao máy móc, thiết bị, sinh phẩm phục vụ chống dịch không được thiếu thốn; nguồn nhân lực, nhất là những chiến sĩ áo trắng có mặt khi cần thiết, kịp thời, tập trung hơn. Hình thức thông tin nào phổ cập hơn nữa tới người dân để người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhanh chóng phát hiện ca nhiễm… 

Thủ tướng: Nếu Hà Nội, TP.HCM để lây nhiễm Covid-19 sẽ rất nguy hiểm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết liệt, không được chủ quan, lơ là, “địa phương nào, ngành nào không có trách nhiệm, không thực hiện tốt chủ trương phòng chống dịch hiện nay sẽ được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc”.

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ nghe phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm an toàn nhất, tốt nhất để không lây nhiễm đối với học sinh, phụ huynh và giáo viên. Kỳ thi đã cận kề, công tác chuẩn bị đã triển khai nhiều khâu. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, Thủ tướng lưu ý, việc kiểm tra, đôn đốc, nhất là vai trò của địa phương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế rất quan trọng.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, với các đô thị lớn, đông dân cư như TP Hà Nội, TP.HCM, nếu để lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm, do đó, đặt ra những biện pháp mạnh để khoanh, xử lý ổ dịch là rất quan trọng.

Lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến

Nhận định tình hình dịch bệnh giai đoạn 2 tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, đợt dịch lần này có tốc độ lây lan nhanh và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng. Ngoài ra, cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát một số tỉnh.

Kết quả phân tích các trường hợp dương tính theo ngày khởi phát cho thấy chu kỳ lây nhiễm ước tính trung bình 5-7 ngày với hệ số lây nhiễm RO tại bệnh viện ước tính là 5.0 (dao động từ 4 đến 8). So sánh về tốc độ lây lan giữa Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần.

Thủ tướng: Nếu Hà Nội, TP.HCM để lây nhiễm Covid-19 sẽ rất nguy hiểm - 1
Ảnh: VGP

Tính đến thời điểm hiện tại, các trường hợp đi về từ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng ở các tỉnh, thành phố đã và đang được rà soát, yêu cầu thực hiện cách ly y tế phù hợp và tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm, do vậy vẫn đang cố gắng để có thể kiểm soát ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

So với tình hình dịch bệnh giai đoạn trước, các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng trong đợt dịch này khá đa dạng với nhiều hình thức lây nhiễm khác nhau. Phổ biến nhất là lây nhiễm trong gia đình, lây sang cho người quen thường xuyên tiếp xúc, lây qua các sự kiện như đám ma, đám giỗ, đám cưới với hoạt động ăn uống tập thể đồng thời cũng xuất hiện nhiều điểm lây nhiễm đáng lo ngại khác như bến xe, trường học, công ty và các cơ sở y tế...

Trong các hình thức này, lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến, số lượng trường hợp mắc theo cụm gia đình rất cao, tính đến thời điểm hiện tại (78 trường hợp trong 27 cụm gia đình) và cao hơn rất nhiều so với trong giai đoạn trước (chỉ có 2 cụm gia đình nhỏ).

Bên cạnh đó, do đặc điểm các hộ gia đình ở Việt Nam sống chung nhiều thế hệ, nên nguy cơ người già, trẻ em bị nhiễm bệnh trong gia đình là rất cao. Hiện tại, tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 là 2,7%, người già trên 60 tuổi là 30,6%.

Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bắt nguồn từ Đà Nẵng và đã lan ra 12 tỉnh, thành phố. Trong thời gian vừa qua, những người đi từ tâm dịch Đà Nẵng đã được các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát và xét nghiệm.

Trong đó, TP.HCM phát hiện nhiều nhất với 8 trường hợp dương tính trên tổng số hơn 23.000 người được xét nghiệm là các trường hợp có liên quan đến ca dương tính hoặc những người đi từ Đà Nẵng về có triệu chứng.

Tại Hà Nội, với số lượng người trở về từ Đà Nẵng từ 1/7 đến nay là gần 100.000 người, trong số đó có nhiều người di chuyển qua các địa điểm của Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm cao nên khả năng phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại Hà Nội là rất cao.

Hà Nội đã kính hoạt toàn bộ 10.000 đội phản ứng nhanh

Báo cáo với Thủ tướng, đại diện TP Đà Nẵng cho biết TP đã cách ly gần 17.000 người, có 9.000 người là F1 được cách ly tập trung và gần 8.000 người cách ly tại nhà.

Việc truy bệnh đang gặp khó khăn, do hầu hết tiếp xúc có nguồn gốc tại Bệnh viện  Đà Nẵng từ đầu tháng 7 đến nay rất nhiều (gần 20.000 trường hợp). TP đang tập trung rà soát để truy bệnh từ cơ sở, người bệnh, người chăm nuôi. 

Hiện TP đã thu thập 35.000 mẫu, xét nghiệm với khả năng 10.000 mẫu/ngày, đang tính toán tăng lên 20.000 - 30.000 mẫu/ngày. 

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, ở tỉnh này có 54 ca dương tính, dự tính 6 ca tối nay công bố. Đến nay tỉnh cũng đã cách ly tập trung 3.989 người, cách ly tại nhà 31.000 người.

Tỉnh thành lập thêm nhiều khu cách ly, hiện có 64 khu tập trung, chuẩn bị thêm 4 khu để các địa phương khác quá tải thì tỉnh nhận về cách ly; phong tỏa 12 khu vực có ca bệnh, đảm bảo kiểm soát tốt, không để lây lan ra cộng đồng.

Quảng Nam cũng thành lập nhiều bệnh viện dã chiến, kịp thời "chia lửa", nhận nhiều bệnh nhân từ Đà Nẵng về chữa trị.

Tại TP.HCM, tính đến ngày 25/7 đã ghi nhận 8 ca nhiễm, đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới, sức khỏe ổn định.

Thành phố xét nghiệm 44.266 người về từ Đà Nẵng đã khai báo y tế. Đã lấy 31.366  mẫu, trong đó 28.000 mẫu âm tính, 6 người dương tính, dự kiến tới 10/8 có tất cả kết quả xét nghiệm những người về từ Đà Nẵng.

TP cũng chuẩn bị đón hơn 700 khách kẹt tại Đà Nẵng về, bố trí cách ly, giám sát an toàn.

Tại Hà Nội, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, sáng nay, phát hiện 1 trường hợp 30 tuổi (ở Phúc Thọ) đi Đà Nẵng về trên chuyến bay bay 272 đã dương tính. Đến nay, Hà Nội có 4 ca bệnh liên quan đến Đà Nẵng.

Hà Nội xét nghiệm hơn 96.000 người về từ Đà Nẵng, khả năng 10.000 mẫu/ngày, ưu tiên người về trong khung thời gian từ 15/7 - 29/7. TP chuẩn bị tiếp nhận 800 khách còn kẹt tại Đà Nẵng trở về Hà Nội.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã kính hoạt toàn bộ 10.000 đội phản ứng nhanh chống dịch.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất Thủ tướng nâng TP Hà Nội lên mức cảnh báo cao hơn mức hiện nay.

Theo Thu Hằng - Hồ Văn (VietNamNet)

 

Nổi bật