Thủ tướng: Một bộ phận cán bộ chính quyền để xảy ra tai tiếng

03/07/2017 10:06:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ trích một bộ phận cán bộ, công chức thiếu lửa trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là những cán bộ để xảy ra tai tiếng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ trích một bộ phận cán bộ, công chức thiếu lửa trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là những cán bộ để xảy ra tai tiếng.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Cả ngày hôm nay (3-7), Chính phủ họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành. Tham dự phiên họp có cả Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình…  

“Có nhiều điểm phấn khởi”

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho biết trong nửa đầu năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, đã phát huy kết quả bước đầu. Tập thể Chính phủ, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề bức xúc.

Thủ tướng: một bộ phận cán bộ chính quyền để xảy ra tai tiếng

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương - Ảnh: VGP

Thủ tướng nói: “6 tháng đầu năm nay có thể nói là 6 tháng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa của đất nước. Người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn. Như một con người đi khám sức khỏe, các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt”.

Ông nhắc đến khoảng thời gian Chính phủ nhiệm kỳ mới đã đi qua một năm rưỡi, thì sáu tháng đầu năm nay có nhiều điểm phấn khởi hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái xảy ra nhiều sự cố nặng nề).

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng phục hồi mạnh (nếu quý I tăng trưởng đạt 5,15% thì quý II tăng 6,17%). Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng, đặc biệt trong tháng 5, 6, giúp tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,73%.

Các ngành nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh. VN là một trong 12 nước dẫn đầu tăng trưởng du lịch. Vốn FDI tăng mạnh. Sáu tháng đầu năm có hơn 61.000 DN đăng ký mới, với tổng số vốn hơn 600.000 tỉ đồng…   

Không chỉ kinh tế, chúng ta còn đạt kết quả khả quan trên một số mặt văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững…

“Cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa”

“Tại hội nghị này chúng ta cũng thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, thách thức” - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Ông đề cập trước hết là tình trạng tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm sâu, riêng dầu khí giảm hơn 11% (chúng ta chưa có biện pháp để tăng sản lượng dầu khí).

Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, số DN rời thị trường nhiều, DN có nguy cơ thua lỗ, phá sản vẫn nhiều… Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, đến nửa năm mới bằng 30% kế hoạch Thủ tướng giao. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn rất chậm, đến nay mới thoái vốn được 11.000 tỉ đồng so với kế hoạch 60.000 tỉ đồng…

Còn rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc tập thể, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em…

Ô nhiễm môi trường nhiều nơi còn diễn ra. Nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Sạt lở bờ sông, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất đáng lo ngại. Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.

“Từ những bất cập như vậy, chúng ta thấy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Tôi nói riêng về tăng trưởng, muốn tăng trưởng được 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,42%, đây là con số không phải dễ dàng, bởi chúng ta chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ” - Thủ tướng nêu vấn đề.

Đồng thời cho rằng đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có căn cứ, cơ sở để đạt được. Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đều đang phục hồi mạnh, quan hệ quốc tế có nhiều thuận lợi. Chỉ số đổi mới sáng tạo được công bố trong tháng 6 VN tăng 12 bậc.

“Chúng ta phải quyết tâm hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, các địa phương mà đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các TP lớn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương phát biểu ý kiến, đề cập đến những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tăng trưởng vừa ổn định vĩ mô, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Tập trung các giải pháp đẩy mạnh dải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

“Nhất là phải cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính. Người dân và DN vẫn còn kêu vấn đề này rất nhiều đến Chính phủ, các cấp, các ngành và lãnh đạo các địa phương”, Thủ tướng nói.

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật