Trưa ngày 21-3, tại Hội trường Dinh Thống Nhất, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn Việt Nam đã tiếp đón đoàn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (phải) gặp gỡ Thủ Tướng Lý Hiển Long tại Hội trường Thống nhất trưa ngày 21-3 - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Nguyễn Thành Phong đã khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường hợp tác với Singapore về song phương lẫn đa phương vì lợi ích chung của hai nước và vì hoà bình ổn định chung.
Thực tế, Việt Nam thời gian qua cũng đã đẩy mạnh hợp tác với Singapore, đặc biệt là về kinh tế, trong bối cảnh hai nước đều là thành viên của ASEAN. Singapore hiện là một trong những đối tác đầu tư thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Về thương mại, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu song phương giữa TP.HCM - Singapore đạt hơn 3,3 tỉ USD. Về đầu tư, đến tháng 2-2017, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tại TP.HCM với hơn 930 dự án và tổng số vốn hơn 10 tỉ USD.
Nhiều tập đoàn lớn của Singapore cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Theo chủ tịch Nguyễn Thành Phong, chính quyền TP luôn tạo nỗ lực để hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có Singapore, hoạt động hiệu quả.
“Tuy nhiên đến nay tại Singapore vẫn chưa có dự án đầu tư mang tính biểu tượng, thể hiện quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên cũng như xứng đáng với vị trí của Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tại TP” - ông Phong nói và kêu gọi thủ tướng Singapore khuyến khích nghiên cứu và triển khai các dự án như vậy.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đang tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, năng lượng xanh, hậu cần… và muốn trở thành một trung tâm chế biến, phân phối thực phẩm. Ông kêu gọi Singapore tìm hiểu và nắm bắt cơ hội này.
Ông Phong cũng cho biết rằng trong bối cảnh TP.HCM đang xây dựng sáu tuyến metro để giảm ùn tắc giao thông, việc kết nối công nghệ, vận hành, quản lý vận hành tổng thể hệ thống metro là một bài toàn khó. Lãnh đạo TP.HCM đã liên hệ với một số đối tác tiềm năng, trong đó có Sở giao thông đường bộ Singapore, đề nghị giúp rà soát quy hoạch và kết nối công nghệ các tuyến trên.
Nhân dịp đón tiếp thủ tướng Lý Hiển Long, chủ tịch cũng nhắc mong muốn phía Singapore xem xét hỗ trợ TP trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thành phố thông minh. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Singapore đầy mạnh trao đổi các đoàn chuyên môn, giao lưu phát triển… để chia sẻ kinh nghiệm hai nước.
Đáp lời, Thủ tướng Lý HIển Long cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo TP.HCM. “Tôi rất hân hạnh trở lại TP.HCM ngày hôm nay sau hơn 10 năm kể từ lần dự lễ kỉ niệm thành lập Khu công nghiệp Việt - Sing” - thủ tướng Singapore nhấn mạnh.
Ông cho biết khu công nghiệp này đang phát triển cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore, đặc biệt là sau khi hai nước trở thành đối tác chiến lược năm 2013.
Trong ngày 21-3, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng dự kiến tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh, tham quan toà nhà Bitexco và một số hoạt động như thưởng thức cà phê ở TP.HCM.
Tối nay, Thủ tướng Singapore sẽ tham dự buổi Gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM.
Phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long bà Hà Tinh (phải) với trang phục hiện đại nhưng giản dị tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Thủ tướng Lý Hiển Long sinh ngày 10-2-1952. Năm 1974, ông tốt nghiệp Đại học Cambridge (Anh) với Bằng Danh dự Hạng nhất về Toán học và Chứng chỉ loại ưu về Khoa học Máy tính; năm 1980, ông lấy bằng Thạc sĩ Hành chính Quốc gia, Trường Kennedy, Đại học Harvard.
Thủ tướng Lý Hiển Long gia nhập quân đội từ năm 1971, đến năm 1984 xuất ngũ (cấp bậc Chuẩn tướng) và bắt đầu hoạt động chính trị ở tuổi 32.
Năm 1984, ông được bầu làm Nghị sĩ, thuộc đảng cầm quyền Hành động Nhân dân, được bầu lại vào các năm 1988, năm 1991, năm 1997 và năm 2001.
Năm 1985, ông là Quốc vụ khanh Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Quốc phòng; sau đó làm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Quốc phòng.
Năm 1986, ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương đảng cầm quyền Hành động Nhân dân.
Năm 1990, ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp. Năm 1992, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Năm 1994, ông là Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, phụ trách cả Bộ Thương mại và Công nghiệp và Bộ Quốc phòng. Năm 1998, ông kiêm thêm Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ Singapore (MAS). Năm 2001- 2007, ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Từ năm 2004 đến nay, ông là Tổng Thư ký Đảng cầm quyền Hành động Nhân dân và là Thủ tướng Chính phủ Singapore.
Theo Trần Phương - Nhật Đăng (Tuổi Trẻ)