Ngay sau khi chủ trì phiên họp sáng 27.8 về ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, ngành, địa phương về việc ứng phó mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 7 năm 2017.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp sáng 27.8. |
Những ngày qua hoàn lưu bão số 6 đã gây mưa to đến rất to tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ; lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại một số khu vực thấp trũng, thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Lào Cai. Hiện nay, bão số 7 (tên quốc tế là Pakhar) đang mạnh lên và di chuyển nhanh về khu vực biên giới phía Bắc, bão số 7 có thể tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực xảy ra mưa lớn vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành và các địa phương có liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh:
- Tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát để chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi vừa qua đã bị sạt lở, lũ quét, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sâu khi mưa lớn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
- Tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua: Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; hỗ trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.
- Triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động.
- Bố trí lực lượng, phương tiện kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn.
- Chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng và triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
3. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, hồ đập thủy điện và hệ thống điện.
4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính trong các đợt mưa lũ vừa qua; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.
5. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão, mưa lũ.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến bão, lũ, dự báo, chỉ đạo ứng phó với bão, lũ để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
8. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão theo quy định.
9. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.
Mưa lũ nghiêm trọng trên địa bàn huyện Định Hóa, Thái Nguyên. |
Trước đó, tại cuộc họp sáng nay 27.8, theo nhận định của ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, khi bão số 7 đi tới gần nước ta sẽ suy yếu thành áp thấp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây mưa từ khu vực Bắc Trung bộ trở ra, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Đối với các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu có lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, bắt đầu tập trung từ ngày mai. Tuy lượng mưa không lớn nhưng rất dễ gây hệ quả sạt lở đất, gây lũ ở Bắc bộ, ngập úng cục bộ ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng,…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, ứng phó mưa lũ bão số 7 các địa phương phải nêu cao tinh thần chủ động, tổng hợp các biện pháp không chủ quan trong ứng phó, sớm thu hoạch sớm các diện tích lúa theo tinh thần “Xanh nhà hơn già đồng”; kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra khơi của các tàu, thuyền.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hoàn lưu cộng hưởng của bão số 6 và 7 cũng như các yếu tố thời tiết bất thường vẫn còn vì vậy phải hết sức lưu ý tàu thuyền nhỏ ở đới ven bờ và đới lộng, nếu chủ quan tiếp tục ra khơi sẽ gặp sự cố. Thường trực Ban chỉ đạo khẩn trương liên lạc với Ban chỉ huy các đia phương yêu cầu tăng cường trực, không chủ quan. Những nơi xung yếu phải kiên quyết di dời dân. Các ghềnh, ngầm, tràn phải có người canh gác, không để xảy ra thiệt hại, nhất là thiệt hại về người”.
Bộ trưởng cũng đề nghị, cơ quan dự báo cần bám sát, đưa ra những dự báo sát thực tiễn; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí bám sát tình hình, thông tin trên nhiều phương tiện, tăng thời lượng đưa tin về triển khai.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị với Chính phủ nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc, trong đó Nhà nước sẽ tham gia một phần, chủ yếu là xã hội hóa ở những khu vực có thể thực hiện. Đồng thời, cần có kế hoạch thực hiện bố trí tái định cư cho dân cư ở những khu vực nguy hiểm của các tỉnh miền núi phía Bắc.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, đồng thời triển khai ngay các phương án ứng phó mưa của hoàn lưu bão số 7. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và những nguy cơ thiên tai tiếp theo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tiếp tục kiểm soát đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền ở vùng ảnh hưởng của bão, nhất là khu vực Hạ Long - Quảng Ninh, Cát Bà – thành phố Hải Phòng đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài nước. Những địa phương vùng mưa lũ phải có phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ động lập bản đồ chi tiết về “tai biến địa chất”, sạt lở đất nói chung cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí lại dân cư vùng nguy cơ cao để người dân sống trong khu vực an toàn. Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Công Thương cùng các địa phương đảm bảo an toàn các hồ chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi tình huống xấu xảy ra; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời nâng cao công tác dự báo, thông tin kịp thời chính xác và cụ thể hơn về diễn biến thời tiết và thiên tai.
Theo Hà Linh (Dân Việt)