Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp... đáp chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn vào lúc 8h58.
Chuyến bay được chào đón bằng nghi thức "phun vòi rồng".
Sau khi nhận hoa từ đại diện tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Chính phủ, quan khách và hành khách di chuyển vào phía trong sảnh tầng 2 nhà ga để bắt đầu sự kiện khánh thành sân bay Vân Đồn.
Lễ khai trương được tổ chức ngay sau đó tại tầng 2 khu vực nhà ga sân bay.
Sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tập đoàn Sun Group.
Sân bay Vân Đồn đánh dấu một giai đoạn mới trong việc huy động vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Từ năm 1975 đến nay, đây là sân bay đầu tiên được xây mới hoàn toàn và do tư nhân bỏ tiền đầu tư xây dựng.
Sân bay Vân Đồn khởi công từ năm 2015 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), trên diện tích 325 ha, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 7.463 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 734 tỉ.
Đây là sân bay đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II - có thể đón các máy bay lớn.
Sân bay có công suất 2,5 triệu khách mỗi năm, giờ cao điểm có thể đón 1.250 hành khách.
Hệ thống sân đỗ đến năm 2020 đạt tối thiểu 4 vị trí đỗ máy bay; đến năm 2030 mở rộng lên tối thiểu 7 vị trí đỗ máy bay.
Đường cất hạ cánh của sân bay Vân Đồn được trang bị hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II, bảo đảm chỉ dẫn cho tàu bay hạ cánh ngay cả khi thời tiết bất lợi nhất.
Khu bay với một đường cất hạ cánh dài 3,6km, rộng45 m, đảm bảo khai thác máy bay B787, B777, B747-40 và tương đương.
Nhà ga được xây dựng trên tổng diện tích gần 27.000 m2, thiết kế 2 cao trình đến và đi riêng biệt, có một cầu hành khách cho máy bay code E, ba cầu hành khách cho máy bay code C và bốn vị trí bãi đỗ xe (giai đoạn 1), 31 quầy thủ tục hàng không.
Sân bay có 4 băng chuyền hành lý, có thể phục vụ giờ cao điểm khoảng 1.200 hành khách.
Khu vực kiểm soát an ninh với hệ thống máy soi đa chiều đáp ứng tiêu chuẩn dò chất nổ lỏng Euro Standand 3 tiên tiến nhất khu vực Châu Á và lần đầu tiên được trang bị tại sân bay ở Việt Nam.
Sân bay dự kiến khai thác các đường bay đến và đi từ các nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia).
Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.
Theo Nguyễn Hùng - T.T (Lao Động)