Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành xây dựng diễn ra ngày 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Có những trường hợp các chủ đầu tư thuyết phục, can thiệp để thay đổi quy hoạch. Đồ án quy hoạch chưa chất lượng, dẫn đến có những trường hợp vừa phê duyệt đã lại sửa.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, quản lý phát triển quy hoạch thời gian tới không thể theo hướng quyết định một đằng thực hiện một nẻo.
Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này, trong đó nhức nhối nhất là vấn đề quy hoạch. Theo ông, hiện chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị còn thấp. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích công cộng, hạ tầng cây xanh.
Cùng với đó, công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm chất lượng phát triển đô thị.
Để chứng minh cho câu chuyện quy hoạch còn nhiều bất cập, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam dẫn chứng, ngay tại Hà Nội, nhiều khu vực tuy chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu như khu vực triển lãm Giảng Võ, Ga Hà Nội nhưng hiện đã đề xuất xây dựng 40-70 tầng. Điều này theo ông là không phù hợp với quy hoạch chung Thủ tướng đã phê duyệt.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam lại đưa ra một dẫn chứng khác. Cụ thể, theo quy hoạch thì trụ sở các trường học, bệnh viện, bộ ngành phải được di dời ra ngoại ô. Tuy nhiên, thực tế, nhiều nơi vẫn ngày một xây cao lên, trụ sở vẫn ở trong nội đô.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch di dời, xây dựng cơ sở làm việc các bộ, ngành. Và khi đã có trụ sở mới rồi thì phải trả lại trụ sở cũ đúng như chủ trương.
Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những tồn tại khác của ngành xây dựng như chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra.
"Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm", ông Hùng cho hay.
Về cơ cấu hàng hóa bất động sản, Thứ trưởng Xây dựng cho rằng vẫn dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra 9 thành công của ngành xây dựng trong năm 2017. Trong đó, Bộ Xây dựng là một trong năm bộ cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong năm 2017. Quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng được đơn giản và rút ngắn. Chỉ số cấp phép xây dựng (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) được xếp hạng thứ 20 trên 190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016 và là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được xếp hạng của Việt Nam. Việc cấp phép xây dựng trực tuyến cũng giảm hai phần ba thời gian. Đó là lý do Thủ tướng cho rằng tình trạng rồng rắn xếp hàng ở các cơ quan của Bộ đã giảm đi rất nhiều.
Việc xử lý các công trình sai phép cũng đạt những kết quả tốt so với năm 2016, góp phần quan trọng chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng, thúc đẩy thị trường lành mạnh, ổn định, đồng thời bước đầu thực hiện tốt những chính sách nhà ở xã hội.
Theo Nguyễn Hà (VnExpress.net)