Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần thứ 3 nhắc lại lệnh không chúc tụng, biếu xén quà Tết.
"Người ta nói với tôi rất nhiều các vị nói rất hay..."
Nói về việc triển khai nghị quyết TƯ 4, Thủ tướng nêu lại tình trạng vô trách nhiệm với công việc, vô cảm với dân, để thất thoát tài sản nhà nước… là những việc đụng chạm hàng ngày khối chính quyền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
"Vì vậy tinh thần nghị quyết TƯ 4 là quyền lực phải được giám sát. Đặc biệt là chống hối lộ, chống sân trước, sân sau mà trước đây gọi là móc ngoặc" - Thủ tướng chỉ đạo.
Đồng thời lưu ý, việc chống trì trệ nhiệm vụ được giao, trong đó cán bộ phải tiên phong gương mẫu. Phải thay đổi cán bộ khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thấy suy thoái thì phải thay đổi ngay.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đặt vấn đề cơ chế giám sát như thế nào. Vì “người ta nói với tôi rất nhiều là các vị nói rất hay nhưng thực hiện giám sát thế nào?”.
Thủ tướng nhắc lại lệnh cấm tặng quà dịp Tết này: “Xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội”.
Ông cũng nêu lại nỗi khổ "anh em cứ Tết là lo ngay ngáy, không tới chúc thì băn khoăn, không biết mua cái gì, cứ mua hóa đơn trước rồi suy nghĩ mấy ngày đêm. Không đến thì băn khoăn, đến thì xếp hàng khổ cực".
“Chúng ta gặp nhau hàng ngày, các đồng chí ở các tỉnh đi vào, đi ra, lên, xuống xếp hàng đến Hà Nội - làm xe nhiều quá, chạy chật cả đường. Mình gương mẫu cho nhân dân là rất cần thiết và làm như vậy sẽ nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí - nhất là làm giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra làm dối trá, phong bì đụng đầu nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý đến việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng xuống địa phương cũng phải rất đơn giản, đoàn xe ngắn hơn, đón tiếp đơn giản hơn.
Nhiều lệnh cấp dưới chỉ “vâng, dạ” chứ có làm gì đâu
Báo cáo về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tưởng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết có tổng số 10.205 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có chưa hoàn thành 3.838 (trong hạn 3.656, quá hạn 182).
Như vậy số nhiệm vụ quá hạn trong năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm 22,18% so với cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng biểu dương: “Đây là điều đáng mừng, thể hiện kỷ cương phép nước”.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý: “Nhiều việc ở trên nói nhưng chưa chắc bên dưới đã làm tốt”.
Thủ tướng dẫn lại thực tiễn làm 5 khoá tỉnh uỷ ở địa phương: “Nhiều thông báo của chủ tịch, bí thư nhưng cấp dưới chỉ vâng dạ chứ có làm đâu”.
Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tùy tình hình có thể thành lập các tổ công tác để tổ chức thực hiện cho tốt. Vì hiện nay khâu yếu nhất vẫn là hành đông, nói phải đi đôi với làm
Nói về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, Thủ tướng lưu ý muốn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công thì vấn đề DN, dịch vụ mạnh là quan trọng.
“Có những bí thư tỉnh uỷ uống cà phê để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến DN nhưng phải tự trả tiền chứ không để DN trả tiền. Hay có những chủ tịch chiều thứ 6 gặp DN để xem vướng mắc gì”, Thủ tướng dẫn chứng.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý DN không phát triển, không sản xuất được thì không thể tái cơ cấu, kinh tế không phát triển.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)