Thứ trưởng Nội vụ: "Thi tuyển lãnh đạo giúp chọn người giỏi nhất"

28/06/2017 09:40:00

14 bộ ngành, cơ quan trung ương và 22 địa phương đã đăng ký thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp sở và phòng. 

14 bộ ngành, cơ quan trung ương và 22 địa phương đã đăng ký thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp sở và phòng. 

Theo đó, hiện có 14 bộ ngành, cơ quan trung ương và 22 địa phương đăng ký thực hiện thí điểm. Ngoài ra, các đơn vị khác trên toàn quốc nếu thấy có đủ điều kiện thì tham gia thí điểm theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

"Việc thi tuyển sẽ giúp đảm bảo công khai, góp phần khắc phục những bất cập lâu nay. Tuy nhiên, đề án thí điểm này không thay cho quy trình công tác cán bộ, mà đây là trong số những người đủ tiêu chuẩn thì chọn nhân sự giỏi nhất qua thi tuyển”, ông Thăng nói.

Ông Trương Hải Long - Phó vụ trưởng Công chức Viên chức Bộ Nội vụ, cũng cho biết, việc thi tuyển lãnh đạo nêu trên không phải chủ trương hoàn toàn mới. Trước đây một số bộ ngành, tỉnh đã xây dựng đề án thí điểm của riêng mình căn cứ vào Nghị quyết về chiến lược cán bộ đến năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhận thấy có sự không thống nhất nên Bộ chính trị đã giao Bộ Nội vụ và Ban tổ chức Trung ương xây dựng hướng dẫn chung trên toàn quốc.

“Kết quả thi tuyển các trường hợp trước đây vẫn được giữ nguyên”, ông Long nói.

nhan-su-ngoai-dang-co-the-duoc-de-cu-thi-tuyen-lanh-dao-cap-phong

Các ứng viên tham gia thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng đường bộ vào tháng 4/2014. Ảnh: Đoàn Loan.

Người ngoài Đảng được thi tuyển lãnh đạo nếu có đề cử

Về các trường hợp được tham dự thi tuyển lãnh đạo, đại diện Bộ Nội vụ cho biết đó có thể là nhân sự nằm trong nguồn quy hoạch tại chỗ của cơ quan, hoặc đã được quy hoạch chức danh tương đương ở các đơn vị khác.

Ngoài ra, theo ông Long, trường hợp nhân sự không nằm trong quy hoạch, không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên, nhưng được tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử thì cũng được tham gia thi tuyển.

"Các nhân sự không nằm trong quy hoạch, không phải đảng viên thì không được tự ứng cử. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền quản lý chức danh bổ nhiệm được đề cử những người này", ông Long nói và nhấn mạnh đây chính là một trong những điểm mới của công tác thi tuyển cán bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng làm rõ thêm, trong hướng dẫn của Bộ Nội vụ đã dành một quy định riêng cho "đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển". Theo đó, nhân sự được đề cử tham gia dự tuyển nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được tham gia thi vào vị trí cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ. Ví dụ, trưởng phòng chỉ được dự tuyển chức danh Phó vụ trưởng và tương đương.

Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực tối thiểu 3 năm, và chỉ được dự tuyển vào chức danh phó trưởng phòng.

“Trong 3 năm công tác, có thể một số anh em chuyên môn rất tốt nhưng chưa có điều kiện được kết nạp Đảng, đặc biệt ở các đơn vị sự nghiệp, viện nghiên cứu thì vẫn được dự tuyển chức danh phó trưởng phòng nếu có đề cử”, Thứ trưởng Thăng nêu.

de-nghi-thi-tuyen-cong-khai-chuc-danh-thu-truong-tro-xuong

Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: Quochoi

Đề xuất thi tuyển từ cấp thứ trưởng trở xuống

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, ủng hộ việc triển khai chủ trương thi tuyển lãnh đạo, tuy nhiên theo ông, cần tổ chức thi tuyển với các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống, không giới hạn nhân sự trong hay ngoài quy hoạch thì mới chọn được người xứng đáng nhất.

"Vấn đề này tôi đã đề cập từ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa trước, sau đó Bộ Giao thông đã tiên phong thí điểm thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng", ông Vân nói và đề nghị nên luật hóa các tiêu chí cho từng chức danh và quy trình thực hiện thi tuyển.

"Đề án thí điểm của Bộ nội vụ mới chỉ thay bình, chứ chưa phải thay rượu. Phải xây dựng tiêu chuẩn cho mỗi chức danh, gắn với trách nhiệm cụ thể, để ai thấy mình bất tài, thiếu đức thì không thể, không muốn và không dám làm quan. Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, đề cử cũng sợ lưỡi hái của pháp luật mà run sợ không dám xằng bậy", ông Vân nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho rằng vấn đề của đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo là tập trung vào tính cạnh tranh và công khai. "Nếu trước đây việc lựa chọn cán bộ theo diện hẹp, thậm chí là giữ bí mật thì nay người dân sẽ được giám sát. Khi đó, năng lực cán bộ sẽ lộ rõ", ông nói.

Các cơ quan Trung ương thí điểm thi tuyển lãnh đạo gồm các Bộ: Nội vụ; Tư pháp; Công Thương; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Giao thông vận tải; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao; Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam.

Các tỉnh, thành thí điểm gồm: Lào Cai; Hòa Bình; Sơn La; Quảng Ninh; Hải Phòng; Vĩnh Phúc; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Bình; Thừa Thiên - Huế; Đà Nẵng; Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đắk Lắk; Lâm Đồng; Bình Dương; TP HCM; Bà Rịa - Vũng Tàu; Trà Vinh; Cần Thơ; Kiên Giang; Bến Tre.

Theo Võ Hải - Hoàng Thùy (VnExpress.net)

Nổi bật