Cho rằng nếu tiếp tục quản lý hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định bằng cơ chế “xin - cho”, chuyển nhượng “lốt” thì còn tiêu cực, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, cần phải xóa bỏ các cơ chế này, đưa loại hình kinh doanh vận tải có điều kiện này công khai, minh bạch hơn.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong quá trình hoạt động, các nhà xe có sự chuyển nhượng “lốt”, thay thế xe là có, đây là việc nội bộ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào chuyện này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ |
Hiện cả nước có 3.910 tuyến xe khách liên tỉnh, riêng Hà Nội có 668 tuyến, sau nhiều năm hoạt động, mạng lưới xe khách trên cả nước vẫn chưa có quy hoạch. Do vậy việc này hầu như phó thác hết cho chính quyền địa phương, cụ thể là các Sở GTVT. Với việc cấp lượt tuyến (lốt) cho các xe vào bến hoạt động, hiện đều thông qua cơ chế “xin - cho”. Tiêu cực ở đấy mà ra chứ ở đâu nữa.
Trong phát triển vận tải hành khách liên tỉnh bằng tuyến cố định, về nguyên tắc phải có quy hoạch. Có quy hoạch và công khai quy hoạch sẽ giúp không chỉ DN vận tải mà người dân đều biết, tuyến này đi từ đâu đến đâu, nhà xe nào đang chạy, giờ nào còn trống… Từ đó giúp DN có sự lựa chọn, cơ quan quản lý Nhà nước cũng nắm bắt được lưu lượng, tuần suất mà có sự điều tiết.
Khi luồng tuyến xe khách đã được công khai và việc chấp thuận tuyến thông qua đấu thầu thì sẽ loại bỏ được hoàn toàn chuyện “đi đêm” trong việc cấp “lốt”.
Tuy bỏ được “xin - cho” nhưng hiện không có quy định nào cấm các Sở GTVT sang tên, đổi chủ “lốt” xe. Đây là nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm vừa qua?
Theo quy định, các DN, nhà xe có quyền chuyển nhượng, mua bán sản phẩm, phương tiện kinh doanh… Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện. Do vậy “lốt” xe đã được cấp cho DN có đủ điều kiện thì không được phép chuyển nhượng, mua đi bán lại…
Với trách nhiệm của mình, nếu phát hiện việc này, các Sở GTVT địa phương phải từ chối. Không thể để xảy ra chuyện: tôi quen biết ông này, bà kia “chạy” được một “lốt” xe, xong không có nhu cầu, khả năng hoạt động tôi bán lại hưởng giá cao.
Với những tiêu chí mà Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng để triển khai Quy hoạch luồng tuyến vừa được Bộ GTVT ban hành, thì với những “lốt” hoạt động không hiệu quả, mua đi bán lại sẽ bị thu hồi để đấu thầu. Cùng với đó, với những xe chạy không đủ biểu đồ chuyến theo hợp đồng, xe bị hành khách phản ánh nhiều, thường xuyên vi phạm “bến cóc” “xe dù”… cũng bị thu “lốt”.
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)