Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, chưa di dời trạm BOT T2 trên QL91 mà chỉ giảm giá đồng loạt cho các xe…
Trạm T2 có sự đồng thuận giữa các Bộ và địa phương
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang Ngô Công Thức tiếp tục kiến nghị yêu cầu Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm xem xét, chỉ đạo, xử lý bất cập của trạm thu phí T2 tại Km50+050 QL91 để đảm bảo quyền lợi của người dân, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, trạm đặt không đúng vị trí.
Buổi làm việc giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh An Giang. |
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho rằng, công trình cải tạo QL91 từ Km14 – Km50 đã được Chính phủ chấp thuận thực hiện từ năm 2011. Sau đó, do khó khăn về vốn nên hoãn lại.
“Theo đề nghị của Cần Thơ và An Giang, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở thống nhất của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án QL91 từ Km14 đến Km50 theo hình thức BOT”, ông Vũ Tuấn Anh nói và cho biết về việc mở rộng, cải tạo QL91B, năm 2014 tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với BCĐ Tây Nam Bộ và TP Cần Thơ xác định việc mở rộng, tăng cường này là cần thiết.
Trên cơ sở ý kiến của TP Cần Thơ, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung mở rộng, tăng cường nền mặt đường đoạn từ Km0+000 đến Km15 đường thuộc QL91B vào dự án của QL91.
Trạm thu phí T2 trên QL91 khiến người dân và doanh nghiệp vận tại ở An Giang, Kiên Giang rất bức xúc. |
“Sau đó, Thủ tướng Chính phủ hỏi lại ý các Bộ và có văn bản chấp thuận theo đề nghị của Bộ GTVT và giao Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ về vị trí đặt trạm và phương án thu phí”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND Cần Thơ thống nhất đặt trạm T2 như hiện nay theo nguyên tắc “trên tuyến sẽ có trạm T1 tại Km14, trạm T2 đặt Km50, bất cứ xe nào qua hai trạm này chỉ trả 1 lần phí”.
Sẽ phản ứng như BOT Cai Lậy
Theo ông Vũ Tuấn Anh, sau khi trạm T2 đi vào hoạt động xảy ra 1 số vấn đề đã được tỉnh Kiên Giang, An Giang phản ánh.
Ông Vũ Tuấn Anh thừa nhận dự án QL91 có sự bất cấp nên vào ngày 31/5/2017, Bộ GTVT đã họp với các tỉnh, chủ đầu tư…và thống nhất phương án giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các loại xe bus, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL80) về An Giang (QL91) và ngược lại. Miễn giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí.
“Hiện nay các địa phương có đề xuất đối với phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hoá có hợp đồng chạy tuyến cố định phải giảm giá, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã ký văn bản giao cho Tổng Cục đường bộ VN tiếp tục làm việc với các địa phương, chủ đầu tư..để có phương án cụ thể tiếp tục miễn giảm giá vé cho các phương tiện theo như đề nghị”, ông Tuấn Anh nói và khẳng định, về nguyên tắc trạm T1 và T2 đã được triển khai đúng quy trình.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang |
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang nêu bức xúc, việc vị trí trạm T2 là bất hợp lý.
Đến nay, hiệp hội đã 10 lần kiến nghị những vấn đề bất cập tại trạm T2 nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Ông Xuân cho rằng, chỉ miễn, giảm cho các loại xe buýt, xe khách chạy tuyến cố định TP Long Xuyên đi Rạch Giá và xe ven trạm, còn những phương tiện khác như xe tải, container, taxi…không miễn, giảm là không công bằng, vì các xe này cũng chỉ đi vài trăm mét trên tuyến BOT nhưng bị thu phí toàn tuyến.
“Xe đi bao nhiêu mét thì cứ thu phí bấy nhiêu, chúng tôi sẵn sàng trả phí. Còn ở đây, xe đi chỉ hơn nửa km nhưng vẫn phải trả phí cho toàn tuyến thì quá vô lý. Theo tôi biết, vấn đề đặt trạm này, trước đây Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (nay là Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng -PV) xác định chỉ có duy nhất trạm T1, không biết vì sao lại phát sinh thêm trạm T2.
Ông Xuân cho rằng, xe từ An Giang đi Kiên Giang và hướng ngược lại chỉ sử dụng vài trăm mét nhưng vẫn phải trả phí toàn tuyến là vô lý |
“Trong văn bản gửi Đoàn đại biểu QH tỉnh An Giang vào ngày 12/7/2017, Thứ trưởng Nguyễn Nhật hứa di dời trạm T2, nhưng phải chờ đến khi nào đây? Di dời trạm T2 thì mọi chuyện sẽ êm thắm”, ông Xuân nói và cho biết, hiện nay có khoảng 40 chủ phương tiện xe tải, container… lên kế hoạch phản ứng trạm T2 giống như việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy.
Giảm giá không di dời
Sau khi nghe bức xúc của ông Xuân, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát lại tất cả trạm thu phí để giảm giá.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, chưa thể dời trạm T2 |
“Hiện nay, Bộ đang rà soát lại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc và theo Nghị quyết 35 của Chính phủ là giảm giá, đó là biện pháp đầu tiên. Những đề xuất của anh Xuân là đúng, nhưng mình dời trạm này rồi trạm ở Tiền Giang và các trạm đặt trên QL1 cũng dời cùng lúc thì liệu Nhà nước hoặc doanh nghiệp có đủ tiền dời cùng lúc không?”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho rằng, Bộ đã nhận diện ra những sai sót, bất cấp trong các dự án BOT và đã báo cáo cho Thủ tướng, QH.
Về vấn đề tại trạm T2, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, chưa thể di dời mà chỉ có thể tiếp tục giảm giá vé đồng loạt cho các xe đi từ QL80 về Long Xuyên, còn xe toàn tuyến thì giữ nguyên.
Theo Hoài Thanh (VietNamNet)