Thông tin tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật cho biết, đã tổ chức Đoàn công tác để khảo sát, làm việc trực tiếp tại 3 Bộ (Công an, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường) và 4 tỉnh, thành (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên).
Thông qua hoạt động giải trình, Ủy ban Pháp luật sẽ có cơ sở xem xét, đánh giá tình hình thực hiện quy định của pháp luật về cư trú trong việc hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú.
Tại phiên giải trình, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một dự án quan trọng của quốc gia. Bộ Công an đã chủ động đề nghị Chính phủ xây dựng, thực hiện Đề án 06 về phát triển dữ liệu đến năm 2030. Giai đoạn vừa qua, các tiện ích được xây dựng và đưa vào sử dụng đã phục vụ hiệu quả nhu cầu liên quan của công dân, được người dân bước đầu đồng tình.
Mặc dù còn có một số bộ, ngành, địa phương chưa kết nối cơ sở dữ liệu khi thời hạn bỏ sổ hộ khẩu giấy đang tới rất gần, song Thứ trưởng khẳng định, khi họp giao ban hàng tháng, Tổ công tác đã luôn đốc thúc và các bộ, ngành, địa phương còn lại cũng đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, bảo đảm bảo mật cơ sở dữ liệu…
“Chúng ta đang từng bước hoàn thiện các tiện ích phục vụ người dân. Để hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích mới, tại các địa phương đã thành lập tổ công tác, nhóm đoàn viên thanh niên…hướng dẫn cho người dân trong cộng đồng sử dụng”, ông Ngọc cho hay.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, ngày 22/12, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 104 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công. Theo đó, từ ngày 1/1/2023 người dân không cần xác nhận bằng giấy, thay vào đó xác nhận trên môi trường điện tử, không cần sử dụng giấy tờ như trước đây.
Trực tuyến 3 dịch vụ công thiết yếu
Liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, pháp luật về hộ tịch đã đi trước và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu, thông tin, tạo thuận lợi cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính.
Bộ Tư pháp đã xây dựng và hướng dẫn các địa phương tái cấu trúc quy trình thực hiện trực tuyến 3 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch gồm đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử theo hướng: cho phép sử dụng dữ liệu công dân, bao gồm dữ liệu về cư trú trong cơ sở dữ liệu về quốc gia về dân cư thay thế việc nộp/xuất trình thành phần hồ sơ là giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện đăng ký khai sinh trực tuyến; 50/63 tỉnh, thành đã thực hiện đăng ký kết hôn trực tuyến; 55/63 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện đăng ký khai tử trực tuyến.
Đối với các thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ, Bộ đã có phương án xử lý bằng Thông tư số 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Thông tư số 09 quy định: Đối với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hoặc sổ hộ khẩu, hoặc giấy tờ khác, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn, cơ bản sẵn sàng kết nối, góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Căn cứ vào Nghị định 104 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương sửa đổi, ban hành thông tư mới theo thủ tục rút gọn, để bảo đảm có hiệu lực thực hiện đồng bộ với thời điểm quy định tại Luật Cư trú có hiệu lực thi hành, tránh tình trạng vẫn còn ghi nhận xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)