Tại sao không triển khai thí điểm để xem mô hình quản lý mại dâm theo khu vực hoạt động như thế nào ở Việt Nam, thay vì cứ nhấc lên, đặt xuống quá nhiều lần và gây tranh cãi?
Mại dâm thực tế vẫn diễn ra công khai. Trong ảnh là cảnh bắt khách ở khu vực Nguyễn Chí Thanh - Sư Vạn Hạnh (TP.HCM) thời điểm năm 2011 - Ảnh: SƠN LÂM |
Đó là quan điểm của TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) xung quanh đề xuất đang gây tranh cãi là lập "phố đèn đỏ" tại các đặc khu kinh tế.
Dù không tán thành, không chấp nhận mại dâm thì chúng ta cũng phải chấp nhận mại dâm như một tồn tại xã hội gắn liền với lịch sử nhân loại.
Đến nay, dù đã có những tiến bộ trong cách nhìn nhận người bán dâm - thay vì xử lý hình sự thì chỉ xử phạt hành chính, nhưng để mại dâm được công nhận hay được coi là một nghề thì còn rất xa.
Khó có thể có con số chính xác về người hoạt động mại dâm, nhưng hỏi Việt Nam có mại dâm không, ai cũng sẽ nói có. Ở những thành phố lớn, không khó khăn gì để tìm mại dâm, với nhiều hình thức khác nhau tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như karaoke, mát-xa, quán xá… hoặc ở bất cứ đâu.
TS Khuất Thu Hồng: Có người lo mại dâm phá hoại hạnh phúc gia đình, tôi khẳng định điều đó không hợp lý - Ảnh: V.V.T. |
Không chỉ là chuyện lập "phố đèn đỏ" ở Phú Quốc, mà câu chuyện nên hay không nên lập "phố đèn đỏ" được được đem ra mổ xẻ quá nhiều lần.
Tôi cho rằng không nhất thiết phải coi mại dâm là một nghề, nhưng hoàn toàn có thể quản lý bằng cách cho nó tồn tại ở những khu vực nhất định. Tại sao không triển khai thí điểm để xem mô hình này hoạt động như thế nào ở Việt Nam, thay vì cứ nhấc lên, đặt xuống quá nhiều lần và gây tranh cãi?
Ở nhiều nước có nền tảng luật pháp, đạo đức chặt chẽ, nhất là những nước mà tôn giáo có vai trò quan trọng, mại dâm vẫn tồn tại ở hình thức này hay hình thức khác và được quản lý, cho dù không được coi là hợp pháp.
Mại dâm ở Thái Lan chưa bao giờ được coi là hợp pháp, nhưng được tồn tại và quản lý ở những khu vực nhất định. Mô hình đó giảm thiểu nhiều mặt trái của vấn đề: người hành nghề được khám chữa bệnh, bảo vệ khỏi bạo hành, hạn chế lây lan bệnh tật ra ngoài xã hội.
Những nước mại dâm cho phép mại dâm tồn tại cũng quản lý chặt chẽ qua các quy định cụ thể như không được lẫn với khu dân cư, trường học, cơ sở văn hóa, nghệ thuật, cơ quan công quyền…; quy định chặt chẽ về giờ giấc, bảo hiểm, thanh tra, đóng thuế, y tế, kinh doanh để giảm tối đa nạn mua bán người, bóc lột núp sau chiêu bài mại dâm.
Tôi biết cán bộ Việt Nam đã tham quan mô hình ở nhiều nước, nhưng đến nay ý tưởng vẫn chưa được hiện thực hóa. Lý do chính là quan điểm truyền thống về mại dâm.
Nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng, sẽ thấy mại dâm phục vụ nhu cầu tình dục trên cơ sở trao đổi, thỏa thuận. Người không có gia đình, không có cơ hội kết hôn, có nhu cầu tình dục thì cần được đáp ứng, được pháp luật bảo hộ. Nếu nhu cầu có mà không được thoả mãn, có thể dẫn nạn cưỡng bức, hiếp dâm, bạo lực tình dục...
Quản lý mại dâm là để giải quyết những vấn đề như thế, chứ không phải cho phép mại dâm phục vụ bất cứ ai. Đã có luật hôn nhân gia đình, người có quan hệ ngoài hôn nhân sẽ bị xử phạt theo luật.
Có người lo mại dâm phá hoại hạnh phúc gia đình, tôi khẳng định điều đó không hợp lý. Người bán dâm không đến nhà gõ cửa, rủ rê ai. Việc người có gia đình tìm đến mại dâm phải được xem là vấn đề của gia đình ấy, chứ không phải của mại dâm. Đã muốn thì không tìm đến mại dâm họ sẽ tìm đến người khác, không tìm đến mại dâm lần này sẽ tìm đến lần khác…
Quản lý mại dâm cũng là để đảm bảo sự tồn tại của nó không gây tác dụng xấu chỉ vì không được thừa nhận. Sẽ ra sao nếu bạn không biết liệu chỗ bạn định đưa gia đình, con cái đến có mại dâm hay không?
TS tâm lý Phạm Mạnh Hà: Nên xem mại dâm là nghề kinh doanh có điều kiện Trong quá trình hội nhập, việc xuất hiện và gia tăng mại dâm ở những nơi du lịch phát triển, đô thị lớn là điều tất yếu. Nhiều nước trên thế giới đã và đang xem đó như một sản phẩm du lịch bình thường. Ở Việt Nam mại dâm vướng một rào cản lớn về văn hóa, đạo đức, nhiều người xem mại dâm là nguyên nhân dẫn tới rạn nứt hoặc tan vỡ hôn nhân. Trong điều kiện đó, Việt Nam không nên để mại dâm theo kiểu ở đâu cũng có, như một sản phẩm du lịch. Mà nên xem đó là một nghề kinh doanh có điều kiện, tham khảo mô hình quản lý ở các nước đã làm. Riêng với các đặc khu kinh tế, nếu hội đủ các điều kiện cần và đủ thì nên cho phép mại dâm hoạt động có kiểm soát, giống như với sòng bài, casino. Nghĩa là chỉ hình thành ở một vài khu vực, tuyến phố hạn chế, chỉ phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch, chứ không phải dân địa phương. Như vậy vừa kiểm soát được hoạt động kinh doanh, kiểm soát tình hình an ninh trật tự, và quan trọng hơn là bảo vệ các lao động tình dục khỏi bạo hành, bóc lột… Nói chung với hoạt động mại dâm, tôi nghĩ hãy cho các đặc khu quyền tự quyết. Quan trọng là cơ quan quản lý có khung pháp lý, cơ chế giám sát để các đặc khu quản lý chặt, kiểm soát tốt ngành nghề này. |
Theo Vũ Thủy - Lâm Hoài (Tuổi Trẻ)